“Khi bạn ở độ tuổi 20-30, cái bạn cần tìm là một người sếp giỏi chứ không phải một công ty xịn. Khi bạn ở độ tuổi 40-50, bạn nên làm những gì mà bạn giỏi. Khi bạn 50-60, việc bạn phải làm là trao cơ hội cho người trẻ. Hơn 60, ở nhà với cháu.” – Jack Ma –
Các bạn không nên kỳ vọng quá nhiều vào các công việc xảy ra vào giai đoạn 1/4 đầu tiên của sự nghiệp, vì đây là giai đoạn học hỏi, tìm kiếm và tích lũy chứ không phải giai đoạn gặt hái sự thành công.
1. Lên kế hoạch tài chính và ghi chép lại chi tiêu
Bất cứ ai và ở độ tuổi nào cũng nên hoạch định cho mình một con số, đây là số tiền bạn cần có để có thể nghỉ hưu một cách thoải mái. Ở trang web Happy Live vào mục Resource Tool chọn công cụ Retirement Calculator, đây là công cụ sẽ giúp bạn xác định số tiền bạn phải tiết kiệm mỗi năm để có được một tài khoản hưu trí đủ lớn và sống không âu lo trong thời gian nghỉ hưu. Và tất nhiên khi bạn biết điều này càng sớm thì sẽ càng tốt cho bạn sau này!
Sau khi lên kế hoạch và tìm được con số của mình, bạn sẽ hiểu rõ được tầm quan trọng trong quản lý chi tiêu và việc tiết kiệm tiền. Để kiểm soát được tiền của mình và không phải thắc mắc là tiền đã đi đâu hết vào mỗi cuối tháng thì lời khuyên của tôi dành cho bạn là hãy sử dụng một quyển sổ hay một ứng dụng bất kỳ nào trên điện thoại, ipad, laptop có thể ghi chép được những khoản thu chi theo ngày, tuần và tháng. Với việc ghi chép thế này một mặt bạn biết được mình đã chi ra bao nhiêu, mặt khác bạn còn biết mình đã chi cho mặt hàng nào nhiều nhất rồi từ đó cân đối chi tiêu cho hợp lý.
2. Tiết kiệm
Rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn trong độ tuổi 18 – 25. Các bạn thường sống với tư tưởng YOLO (You only live once), sống là phải hết mình nên đâm ra cũng trở thành kẻ mau hết tiền. Các bạn cố chứng tỏ mình bằng những món đồ hiệu đắt tiền, check – in những nơi sang chảnh, sử dụng những món đồ sành điệu nhất và tất nhiên cũng sẵn sàng đi du lịch, đi phượt khắp nơi… Tôi không phê phán các bạn, nhưng có phải chúng ta đang chạy theo trào lưu sống ảo và chứng tỏ ảo hay không?
Nếu như với cùng số tiền đó bạn chi cho những món đồ cần thiết hơn, bạn đầu tư cho bản thân, cho bộ não thì khoản tiền đó sẽ hoàn về một ngày không xa.
Tiết kiệm không có nghĩa là ki bo hay dè xẻn, chỉ là cách bạn sử dụng tiền hợp lý và không phung phí. Hãy thay đổi ngay thói quen chi tiêu và bắt đầu chi ra một khoản nhỏ mỗi tháng bỏ vào sổ tiết kiệm, cho dù bạn là người đã đi làm hay đang đi học đều có làm thể làm điều này, hãy tiết kiệm trước rồi chi tiêu sau, ít nhất với cách này sẽ giúp bạn không bao giờ túng thiếu khi tới cuối tháng vì đã có khoản tiền tiết kiệm dự phòng.
3. Tìm cách gia tăng thu nhập
Tuổi 20, có bạn đang là sinh viên một trường đại học nào đó, có bạn là sinh viên của trường nghề, cũng có bạn đã nghỉ học và đang đi làm. Dù bạn là ai thì tôi vẫn khuyên bạn tìm cách gia tăng thu nhập của mình. Bạn có thể dễ dàng tìm thêm các công việc partime trên các trang mạng xã hội hoặc tự học một kỹ năng như design, làm phim, content writer,… để nhận các công việc freelance, hoặc kinh doanh một mặt hàng nào đó. Bất cứ công việc nào lương thiện tạo thêm thu nhập cho bạn.
Tuổi 20 các bạn còn khá trẻ và tất nhiên việc tận dụng thời gian rảnh để làm thêm một mặt gia tăng thu nhập cho bản thân, một mặt còn rèn luyện cho bạn rất nhiều kỹ năng xã hội và kỹ năng mềm để giúp ích cho bạn sau này. Đừng chỉ suốt ngày chăm chỉ và dành hết thời gian trên lớp hoặc chơi game cày phim vô bổ. Sự nỗ lực hôm nay của bạn sẽ giúp bạn tiến xa hơn về sau này đấy.
4. Đọc sách về đầu tư và tài chính cá nhân
Nhiều bạn trẻ nhắn tin hỏi tôi ở độ tuổi nào thì có thể bắt đầu đầu tư, 18 hay 20 tuổi có quá trẻ để biết về đầu tư không?
Không ai quy định bao nhiêu tuổi mới được học về đầu tư cả. Chỉ cần bạn biết đọc, chăm chỉ và kiên nhẫn chinh phục những kiến thức khó thì chắc chắn thành công sẽ gõ cửa bạn. Tôi cũng từng ước mình biết về đầu tư sớm hơn, để có thể chuẩn bị sớm hơn thì đã không bị mất tiền sau lần ăn may của đợt khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Hãy đọc sách về tài chính, đầu tư và tập tành đầu tư với số vốn nhỏ. Đọc càng sớm càng tốt, trải nghiệm càng sớm càng tốt và mắc sai lầm càng nhiều càng tốt với số vốn nhỏ để có thể giảm đi tỷ lệ sai khi đã thực sự chinh chiến với số vốn to. Hiểu về tiền, về cách vận hành của tiền, về kinh tế vĩ mô, vi mô, về kiến thức đầu tư, tài chính,… bạn sẽ quay lại cảm ơn tôi sau 5 – 10 năm nữa đấy.
5. Hạn chế nợ xấu
Hãy chi tiêu hợp lý và né càng xa càng tốt những khoản nợ, đặc biệt là nợ xấu. Bạn sẽ bị vòng xoáy nợ nần vây quanh và không thể dư dả cho đến cuối tháng vì những khoản trả góp và lãi mỗi tháng. Và bạn biết đấy, những món đồ trả góp đấy đa số đều là tiêu sản chứ không phải tài sản và không khiến bạn kiếm được nhiều tiền thêm. Thậm chí bạn còn đang chi trả lãi suất rất cao ẩn sau cái lớp trả góp 0% đó.
6. Đầu tư cho bộ não
Nghe có vẻ không liên quan nhưng lại liên quan không tưởng đấy. Bạn nên rèn cho mình thói quen đọc sách mỗi ngày, làm giàu cho bộ não bằng những kiến thức hữu ích, tham gia các buổi học, khóa học phù hợp. Việc đầu tư cho bộ não không khiến bạn kiếm được tiền ngay nhưng nó sẽ giúp cho bạn có được kiến thức và ứng dụng trong công việc, cuộc sống sau này, đồng thời sẽ giúp bạn tăng thu nhập của bản thân hoặc được thăng chức cao hơn trong công việc.
P.S: Tuổi 20+ của bạn đã làm được điều gì trong 6 điều trên? Cùng chia sẻ với tôi nhé!
– Thai Pham Happy Live – Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn