Chào buổi sáng các bạn,
Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi ngang tăng điểm nhẹ trong khi chờ báo cáo PCE.
Thị trường trở nên thận trọng hơn trước khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu. PCE lõi – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – được dự báo tăng 2,6% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,1% so với tháng trước, theo một cuộc khảo sát chuyên gia kinh tế của hãng tin Dow Jones.
Giới đầu tư đang hy vọng báo cáo này sẽ cho thấy lạm phát trong nền kinh tế Mỹ tiếp tục dịu đi, qua đó củng cố khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay.
Hạ lãi suất năm nay là sẽ xảy ra, câu chuyện là tháng 9 hay tháng 11 thôi, tháng 11 thì cũng chỉ còn 5 tháng nữa.
Giá dầu tăng hơn 1% do những dự báo ở Trung Đông có thể châm ngòi 1 cuộc chiến mới. Nói chung ở đây như một nồi lẩu thập cẩm.
Dầu tăng giá do nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Israel và phiến quân Hezbollah – lực lượng có sự hậu thuẫn của Iran.
Israel đã triển khai quân tới khu vực biên giới phía Bắc với Lebanon trong tuần này, khi các cuộc tấn công từ bên kia biên giới gia tăng trong thời gian từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 – theo một báo cáo từ RBC Capital Markets. Công ty phân tích thị trường nhận định tất cả các dấu hiệu đều đang cho thấy khả năng xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp giữa Hezbollah và Israel.
“Nguy cơ thực sự đối với nguồn cung năng lượng trong khu vực sẽ là khi Iran nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Israel nhằm mục đích quốc tế hoá tổn thất của xung đột, hoặc khi Israel nhằm vào các cơ sở năng lượng của Iran”, một báo cáo của RBC nhận định.
Vàng cũng tăng, bất chấp …nỗ lực của đội short sell 😁 (ăn hành hết).
Bitcoin cũng tăng nhẹ và giữ ở mốc trên 60K.
Với chứng khoán Việt Nam:
Diễn biến thị trường:
Trong phiên giao dịch ngày 27/06, thị trường giảm điểm nhẹ với thanh khoản thấp nhất từ đầu năm 2024 đến nay. Chỉ số VNINDEX đi ngang và giằng co tại mức MA50.
Ngay từ đầu phiên, thị trường đã chịu áp lực bán mạnh khiến chỉ số giảm xuống dưới tham chiếu ngay sau ATO. Mặc dù lực mua cố gắng nâng đỡ và nhiều lần đưa thị trường tăng vượt tham chiếu, nhưng đều bị lực bán từ chối, dẫn đến sự dao động lên xuống quanh mức tham chiếu. Từ khoảng 10h30 trở đi, áp lực bán tăng mạnh, khiến thị trường giảm sâu xuống vùng thấp nhất trong ngày và kết phiên sáng trong sắc đỏ. Đầu phiên chiều, áp lực bán vẫn duy trì, khiến chỉ số giảm về mức MA50. Tuy nhiên, lực cầu tại MA50 một lần nữa phát huy sức mạnh, đưa thị trường quay trở lại tăng điểm, thu hẹp đà giảm và tiến về mức tham chiếu. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn hiện diện, khiến phe mua không thể giữ được sắc xanh đến cuối ngày.
Thị trường đóng cửa giảm điểm nhẹ với thanh khoản thấp hơn trung bình và giữ vững mức hỗ trợ MA50. Đồ thị kỹ thuật hình thành một cây nến thân nhỏ với hai bóng nến dài.
Ngành nổi bật:
– Thanh khoản giảm mạnh trên hầu hết các ngành, kết quả nhiều ngành giảm điểm chiếm đa số.
– Công nghệ, Thực phẩm và Thương mại nổi bật khi vẫn tăng điểm ngành trên 0.4% nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, MWG, SAB, MSN, BHN. Ngân hàng và Bất động sản có sự phân hóa giữa các cổ phiếu. Ngành Ngân hàng giảm mạnh với các cổ phiếu như TCB, BID, SSB, trong khi HDB, MSB, EVF tăng nhưng không đủ sức để cân bằng. Kết quả ngành giảm hơn 0.3%. Ngành Bất động sản tích cực hơn, giữ được điểm số ngành tăng nhẹ. Chứng khoán giảm mạnh nhất nhóm với số mã giảm nhiều hơn mã tăng.
– Nổi bật hôm nay là ngành Bảo hiểm với mức tăng ấn tượng về thanh khoản (tăng hơn 270%) và điểm ngành tăng hơn 2.3% nhờ các cổ phiếu như BVH, MIG. Ngành Phân bón cũng có ngày giao dịch tích cực khi duy trì mức tăng điểm đến cuối ngày nhờ DCM và DPM.
Về chính sách tiền tệ thì NHNN và Chính phủ vẫn lựa chọn chính sách linh hoạt về tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và các lĩnh vực khó của nền kinh tế như BĐS và bank, sxkd https://social.kfsp.vn/phan-tich-nhan-dinh/luc-day-quyet-dinh-tang-truong-c27a2316633-74989.htm
Theo chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered, ông Tim Leelahaphan, “Việt Nam có thể còn phải đối mặt với những thách thức trong quý III, trong bối cảnh của áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu”. Tuy nhiên, thông tin lạc quan là nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục hồi phục và các định chế quốc tế như WB, IMF, ADB hay các định chế trong khu vực như Maybank Group, UOB, Shinhan Bank… đều dự báo Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP năm 2024 từ 5,8-6,2% (tùy dự báo của từng tổ chức).
Về thị trường và cổ phiếu, sự thận trọng là có cơ sở. Thận trọng là tốt, cầm tiền mặt trong tài khoản là tốt. Thế mới thú vị.
Chúc các bạn một ngày giao dịch cuối tuần chọn được giá đúng.