PHẢI LÀM GÌ KHI GẶP KHÓ KHĂN, BẾ TẮC?

Bế tắc vì nợ nần (chứng khoán, bất động sản,… ), mất việc, những sự kiện ngoài kiểm soát,… bạn sẽ làm gì?
Bạn sẽ làm gì: Than thân trách phận? Đổ lỗi cho người khác? Cảm thấy bản thân không may mắn?
KHÔNG CÓ MỘT CÁCH NÀO KỂ TRÊN GIÚP BẠN VƯỢT QUA KHÓ KHĂN.
Vì nếu cuộc đời ném cho bạn một trái chanh chua, việc của bạn là bình thản đón nhận… và thêm đường, làm một ly nước chanh thật thơm ngon.
CÁCH BẠN NHÌN NHẬN, PHẢN ỨNG VỚI VẤN ĐỀ CHÍNH LÀ CÁCH BẠN TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN.
Vấn đề vẫn còn đó, nếu bạn không chủ động giải quyết. Nếu muốn làm gì, hãy làm ngay, bạn nhé!
Chúc bạn có một tuần mới thật nhiều năng lượng và niềm vui.
– Thai Pham Happy Live – Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn

TUỔI TRẺ ĐÓI KHÁT

Nguyên lý đơn giản trong việc kiếm tiền lương thiện: tạo nên giá trị gia tăng. Ngay cả cá nhân, muốn mức lương cao hơn, phải tăng giá trị kỹ năng và trải nghiệm của mình.
++++++++++++++++++
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng… (Thơ Thâm Tâm)
 
Tôi ra Hà Nội trưa 25/9/2014, một chuyến đi không nhiều mục đích, ngoài việc gặp lại các bạn trẻ Việt để “say goodbye”. Không biết bao giờ gặp lại, nhưng hai điều tôi sẽ không quên: cái “tâm hồn Hà Nội” đang vào thu và cái quyến rũ của sự lạc quan bất tận dù phải bao quanh bởi một môi trường xấu xí.
 
Dù đã thông báo, vị tỷ phú giàu thư hai ở Việt Nam hay cô siêu mẫu tăm tiếng của thị trường “ngách” đều không xuất hiện. Có lẽ họ đã tự “hook up” ở một điểm bí ẩn nào rồi. Nhưng đó là cái may; vì tôi có cơ hội ăn tối với 40 doanh nhân trẻ, tràn đầy nhiệt huyết cùng những ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Thay vì đem ngọn lửa đến cho họ, tôi mới là người nhận được “lửa” cho những ngày tháng đang mỏi mệt vì nhàm chán.
Những ngày kế tiếp, tôi lại hân hạnh gặp thêm cả trăm bạn trẻ khác trong 2 cuộc hội thảo; cũng như mạn đàm với những doanh nhân, những quản lý công ty đang xông pha chiến địa. Họ giúp tôi một góc nhìn về thực trạng của những vấn đề đang đối diện. Chúng tôi quên hẳn đi những phân tích lý thuyết về “tái cơ cấu” “cải cách thể chế”(tôi sẽ điên nếu nghe thêm những chữ này một lần nữa), về “quyết tâm chính trị”, về “thoát Trung”, về “DNNN”, về “lịch sử của gương đạo đức” hay về “hồi phục kinh tế”. Giàn khoan duy nhất mà các bạn trẻ này thảo luận là giàn khoan của cá nhân, không đem đặt cọc sớm thì sẽ bị rỉ sét rất lẹ.
Nói chung, sức sống và tinh thần kinh doanh vẫn bộc phát mạnh mẽ qua lời nói và hành động. Tuổi trẻ Việt Nam không bao giờ sờn chí, tiếp tục bước đi để xây dựng cho mình và thế hệ sau một “thịnh vượng tử tế”, mặc cho sự cám dỗ của nghề làm quan, của văn hóa phong bì, của lối làm ăn cửa hậu… Họ vẫn lên kế hoạch cho những doanh nghiệp lấy chất lượng sản phẩm và dịch vụ làm mục tiêu và đào tạo thêm kỹ năng cũng như trải nghiệm cho hành trình khó khăn hàng ngày.
 
Có nhiều lý do để tôi rời bỏ Việt Nam đi tìm một môi trường kinh doanh khác… nhưng lý do thường níu kéo tôi lại nơi đây là “ngọn lửa” của tuổi trẻ Việt. Họ làm tôi gợi nhớ đến hình ảnh của tôi, 30, 40 năm về trước… Tôi gặp một chị quản lý cao cấp của một tập đoàn tư nhân Việt lớn, đã từng làm cho Wall Street hơn chục năm tại Mỹ, Nhật, Thái Lan, và thông thạo 4 ngoại ngữ. Vừa nghỉ việc, nhưng không muốn quay về Mỹ, mà bám trụ ở Việt Nam tìm cơ hội mới. Một tinh thần yêu nước âm thầm mà không phải ồn ào cờ pháo về “tự hào là người Việt Nam”.
Cũng như tôi ngày xưa, mọi người trẻ đều mang trong mình cái đói khát… đói tự do và khát thành công.
 
Tôi không có quà chia tay nào, ngoài những lời nói mà có lẽ mọi BCA đều biết rõ:

1. Biết

Biết mình, biết người, biết tìm thầy, biết định vị, biết lực chuyển, biết sản phẩm, biết thị trường, biết công nghệ, biết hiền tài, biết tài chánh, biết văn hóa giao tiếp. Không biết thì tìm và học; và liên tục hỏi. Nghi ngờ mọi kiến thức bất cứ từ đâu và tìm cho ra một sự thật “tương đối’ qua cả trăm nghiên khảo và góc nhìn. Trong đời, tôi chưa gặp một doanh nhân nào có chút thành công mà ngu xuẩn. Kiến thức là nền tảng của mọi ngành nghề kinh doanh, dù là kinh doanh cơ bắp.
Có biết, chúng ta mới có thể lập ra một kế hoạch bài bản, mới tìm được người đỡ đầu hay tài trợ, mới xây dựng được mạng lưới thân hữu (networking) và mới quản lý được mọi rủi ro.

2. Tăng giá trị

Nguyên lý đơn giản trong việc kiếm tiền lương thiện: tạo nên giá trị gia tăng. Ngay cả cá nhân, muốn mức lương cao hơn, phải tăng giá trị kỹ năng và trải nghiệm của mình. Khi tăng giá trị doanh nghiệp qua bất cứ yếu tố nào, chúng ta tăng thị giá của doanh nghiệp và của chính mình. Tăng chất lượng sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trong tiếp thị, tăng tính khả dụng của công nghệ, tăng hiệu năng của đội ngũ, tăng sức mạnh của công cụ tài chánh… là những phương thức tăng giá trị phổ thông cho việc kinh doanh hàng ngày. Đây là cách kiếm tiền chắc chắn và bền vững trong bất cứ tình huống nào.
Hành trình tăng giá trị cũng gay go cam khổ. Kiên nhẫn và liên tục hành động thay vì chém gió là lựa chọn duy nhất. Chấp nhận thay đôi, điều chỉnh quản lý, cởi mở sáng tạo là những hành xử phải tạo thành thói quen.

3. Tin vào mình

Giữa cái nhiễu nhương của buổi giao thời mạt hạ, đừng tin vào những lời PR rỗng tuếch, những số liệu tự sướng, những khẩu hiệu bích chương rẻ tiền. Bao quanh bởi văn hóa giả dối, trơ trẻn và lừa gạt, chúng ta phải bám chặt vào các trụ đỡ của nhân cách, đạo đức và tâm linh. Niềm tin và chính nghĩa duy nhất là tin vào chính mình, đừng bị lừa gạt bởi những giáo chủ bịp bợm, những lý thuyết rác rưởi, những che đậy phi khoa học.
 
Tin vào nhận xét, phán đoán của chính mình sau khi nghiên khảo cẩn thận và lục lọi đầy đủ. Học nghệ thuật đúc kết của những thám tử hay nhất để tìm ra những động lực ngầm ở phía hậu cần. Đừng để lòng tham hay xúc cảm làm mờ mắt và tạm quên sự thật. Ngoài kiến thức, chúng ta còn một trực giác bén nhậy. Hãy để mọi sự lắng im để phân biệt bạn thù, để hiểu quyền lợi của mọi phía, kể cả mình. Đừng ngây thơ và hoang tưởng về những cái bánh vẽ đang ngập tràn xã hội.
 
Khi các bạn nằm lòng 3 nguyên lý trên, các bạn đã sẵn sàng để bơi ra biển lớn, trực diện với nhóm cá mập đang dấu diếm và thụ hưởng kho báu của nhân loại. Bạn có đầy đủ quyền năng và căn bản luân lý để chiếm hữu và giao lại cho đám đông yếu kém ngoài kia “gia tài của mẹ”. Dù nhiều khi, bạn chỉ cần tuyên dương cho chính mình, “yes, I can”.
Như một triết gia nào đã hào hứng,” bạn không có gì để mất…ngoài cái thắt lưng quần của bạn”.
– TS. Alan Phan –
 
?Trích từ sách Góc nhìn Alan – Dành tặng doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu:

TỶ PHÚ CHARLIE MUNGER CẢNH BÁO 3 THÓI QUEN CÓ THỂ PHÁ HỦY SỰ NGHIỆP CỦA BẠN

Tỷ phú Charlie Munger, giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway, cánh tay phải đắc lực và cũng là một người bạn của nhà đầu tư vĩ đại, Warren Buffett. Điểm chung thú vị của hai ông là thực tâm chia sẻ những nghiệm mà mình tích lũy được qua từng ấy năm.
 
Charlie Muger được biết đến là một người thành công nhưng khá “lập dị”, ít xuất hiện trước truyền thông. Cách đây hơn 2 thập kỉ, Munger đã diễn thuyết nhiều lần về mối tương quan giữa tâm lý học và kinh tế. Trong một bài diễn thuyết tại Harvard, Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway đã nêu ra câu hỏi. “Làm thế nào để kinh tế không kể đến hành vi trong đó? Nếu không phải là hành vi, thì đó có thể là thứ gì được chứ?” Munger không hứng thú với việc dạy người khác cách làm giàu.
 
“Đó không phải là vì tôi sợ cạnh tranh hay điều gì đó tương tự như vậy – Warren luôn luôn cởi mở về những gì ông ấy học được, và tôi chia sẻ nét riêng biệt đó”, ông nói.
 
Mong muốn làm giàu của ông là để có thể độc lập, ông giải thích, và làm những thứ khác mà ông thấy hứng thú, chẳng hạn như đưa ra những bài nói chuyện liên quan đến kinh doanh và định kiến của con người. Munger cảm thấy rằng phản ứng tự nhiên và có điều kiện có thể là lý do tại sao mọi người đưa ra quyết định nghề nghiệp nhất định.
 
Dựa vào các nghiên cứu từ các nhà xã hội học, tâm lý học và những nhà nghiên cứu khác, Munger chỉ ra 24 khuynh hướng tâm lý khi đưa ra quyết định kinh doanh và nghề nghiệp. Sau đây là 3 khuynh hướng tâm lý ông đặc biệt nhấn mạnh bạn cần phải tránh xa khi đưa ra quyết định.

1. Định kiến từ ghen tức và đố kị

“Ghen tức và đố kị là hai trong 10 lời răng dạy của Chúa.”
Ông nhấn mạnh rằng cảm giác trên phổ biến khắp mọi nơi, nó có thể nảy sinh giữa anh chị em ruột, đồng nghiệp,…
“Tôi từng nghe Warren nói hàng tá lần rằng, “Không phải lòng tham dẫn dắt thế giới mà chính là sự đố kị””.

2. Chấp nhận những niềm tin hư ảo

Trong bài diễn thuyết, Charlie mô tả cách mọi người tạo ra những hiện-thực-hư-ảo để lản tránh sự thật. Ông minh họa bằng câu chuyện của gia đình một người bạn có con trai là vận động viên xuất sắc.
“Người con trai đi chuyến bay qua Bắc Đại Tây Dương và không bao giờ quay trở về nữa, nhưng người mẹ vì quá đau buồn, không chịu tin rằng đứa con đã chết.
Đấy là sự phủ nhận tâm lý học đơn giản. Khi mà hiện-thực-thật quá sức đau đớn, người ta chỉ muốn bóp méo nó để có thể chấp nhận được thì thôi.
Tất cả chúng ta đều từng mắc phải tâm lý như vậy ở chừng mực nào đó, và nhận định sai lệch này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng.”

3. Đưa ra đánh giá phiến diện về người khác

Munger cho rằng con người thích gắn bó với những gì quen thuộc dù nó tốt hơn hay tệ đi, và ông gọi đây là tâm lý “yêu thích sự biến dạng”.
Ông nói rằng đây là “khuynh hướng đặc biệt thích một kiểu người hay một dạng cấu trúc ý tưởng nào đó”. Điều này cũng có thể khiến “đánh giá của bạn mang tính cảm xúc và dễ bị xuôi theo người mà bạn yêu thích hay quý trọng”.
 
Mặc khác, ông phân tích cụ thể về “KHÔNG yêu thích sự biến dạng”, đó là xu hướng quay lưng lại với những người mà ta không thích.” Điều đó làm giảm “sự học” của con người.
Ví dụ, có những lợi ích khi chúng ta giữ được tâm thế cởi mở khi giao tiếp với người mà ta không thích. Điều này là thách thức lớn đối với hình mẫu một người giao tiếp tốt và học hỏi thứ mới.
 
Nguồn: CNBC, Happy Live dịch

ĐIỂM TIN TÀI CHÍNH NGÀY 10/3/2023

Chào buổi sáng các bạn,
 
TTCK Mỹ ngày hôm qua 3 chỉ số đã có màn test lại những ngưỡng hỗ trợ cứng của chúng ở MA200, việc xuyên thủng các ngưỡng này hay không thì cần phải chờ đợi phiên thứ 6 cuối tuần.
 
Việc giảm điểm ngày hôm qua được thúc đẩy bởi ”tội đồ” SVB Financial, khi cổ phiếu này đã bốc hơi 60% sau khi thông báo bán cổ phần trị giá 1.75 tỷ USD và kéo theo các cổ phiếu ngân hàng khu vực khác cũng lao dốc. Cổ phiếu Silvergate sụt hơn 42% do thông tin công ty sẽ ngừng hoạt động.
 
Đà sụt giảm này đã khiến lĩnh vực tài chính thuộc S&P 500 giảm 4.1%, chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020. Cổ phiếu các tổ chức tài chính hàng đầu Bank of America và Wells Fargo cũng bị ảnh hưởng, đều giảm hơn 6%.
 
Về tình trạng thị trường lao động trước báo cáo việc làm ngày thứ Sáu thì khả năng cao là số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 04/3/2023 tăng mạnh hơn dự báo, báo hiệu rằng thị trường lao động có thể bắt đầu chững lại. Tin thị trường lao động chững lại cũng sẽ là tin tốt (xấu cho nền kinh tế nhưng tốt cho chứng khoán) vì nó sẽ khiến FED tăng lãi suất giả sử 0.5% trong ngày 22/3 sẽ phải ”nghĩ lại” hoặc ”chậm lại” vào tháng 5 và tháng 6.
 
Chỉ có một cửa duy nhất để có FED pivot (tức là FED giảm lãi suất trở lại) là Mỹ suy thoái kinh tế! Còn không thì lãi suất sẽ nhấc lên 5.25%-5.5% và kéo dài khoảng 1 thời gian.
 
Còn thị trường CK Việt Nam, thì phiên hôm qua dù chưa đạt được kết quả FTD nhưng cũng là một phiên tích cực. Trong ngắn hạn thì thành hay bại phụ thuộc nhiều vào đà mua ròng của khối ngoại. Tôi đã trao đổi ở video livestream ngày hôm qua.
 
Ngắn hạn hơn nữa tính theo ngày, thì chắc chắn là có rung lắc khi họ cần cắt lỗ và chốt lời theo T+, nhưng kì vọng là thị trường sẽ điều chỉnh giảm nhẹ (nếu giảm) và nước ngoài vẫn giải ngân ròng.
 
Kịch bản tốt nhất trong 3 tuần tới của Index là đi ngang tích lũy trong vùng 1,040-1,060 và tích lũy tốt thì cơ hội vượt cản chéo giảm giá và hướng tới mốc điểm số cao hơn, mang lại nhiều cơ hội hơn.
 
Vẫn cần đề phòng trường hợp mốc 1,020 bị phá vỡ, thì thị trường sẽ hướng tới mốc 98x điểm, test lại đáy cũ và chờ đợi sự phản ứng ở mốc này.
 
Chúc các bạn một ngày cuối tuần nhiều năng lượng,
 

4 SAI LẦM TRONG THÓI QUEN QUẢN LÝ TIỀN BẠC

1. Vay nợ nhưng không suy nghĩ đến lúc trả

Sau khi trải qua 4 năm trên giảng đường, cuối cùng bạn cũng có được công việc chính thức với thu nhập hàng tháng. Bạn không còn phải thắt lưng buộc bụng như thời sinh viên, cũng không phải dè dặt xin tiền bố mẹ nữa. Những món đồ mà bạn ao ước bấy lâu giờ đã đến gần trong tấm với, như việc lên đời cho chiếc xe máy hay mua một chiếc laptop mới thật sành điệu.
Thế nhưng, đây là lúc bạn trở thành đối tượng mời chào hàng đầu của các loại hình vay trả góp và thẻ tín dụng. Với tâm lý tự tin rằng mình có nguồn thu nhập hàng tháng, nhiều người tự thuyết phục bản thân rằng mình có thể chi trả cho những món đồ này một cách dễ dàng, và kết quả là sa đà vào việc mua sắm những món đồ vượt quá khả năng tài chính của mình
Đây là lúc bạn tự trói buộc bản thân mình vào những món nợ. Dù lớn hay nhỏ, việc mang nợ là một rào cản làm chậm quá trình tích lũy tài sản đáng kể. Một khi mắc nợ, bạn không chỉ phải trả tiền để sở hữu những thứ quá tầm với của mình, mà còn phải trả thêm tiền cho lãi suất đi kèm.
Thêm vào đó, tốc độ tăng lương của bạn chắc chắn nhanh bằng tốc độ gia tăng lãi suất và lạm phát, nên thông thường bạn sẽ rất khó trả hết cả gốc lẫn lãi trong thời gian cho phép. Điều tệ hơn là bạn có thể sẽ thay đổi công việc trong vài năm đầu tiên của sự nghiệp, tức là thu nhập của bạn không hoàn toàn ổn định như bạn đã tưởng tượng.
Vì vậy, trước khi đặt bút kí một khoản vay trả góp nào, hãy nghĩ đến quá trình trả tiền sẽ còn kéo dài về sau và cân nhắc kĩ hơn về sự cần thiết của khoản vay ấy.

2. Vung tay quá trán khi mua sắm

Bạn có bao giờ thắc mắc rằng tại sao dù thu nhập của mình đã cao hơn, nhưng dường như vẫn cảm thấy không đủ để chi tiêu? Thực chất đây là một hiện tượng rất phổ biến trong quản lý tài chính: nhu cầu mua sắm của bạn sẽ luôn tăng theo mức thu nhập.
Trước kia bạn có thể hài lòng với những quán ăn bình dân, nhưng khi thu nhập tăng, bạn sẽ chỉ thích đến những nhà hàng sang trọng. Nếu khi còn là sinh viên, việc đi chợ trời là một thói quen thì khi đã có thu nhập tốt hơn, bạn sẽ luôn muốn vào siêu thị để mua sắm cho thoải mái.
Do đó, cách tốt nhất để tránh vung tay quá trán là đặt giới hạn chi tiêu dưới mức thu nhập của bạn. Hãy tưởng tượng mình đang có mức thu nhập thấp hơn số tiền thực tế bạn kiếm được để điều chỉnh thói quen mua sắm trong phạm vi đó. Số tiền dư ra chính là số tiền bạn có thể tiết kiệm và đầu tư cho tương lai tốt đẹp hơn.

3. Không biết chờ đợi

Nguyên nhân chính dẫn đến việc vung tay quá trán hay chìm đắm trong nợ tín dụng là do bạn không thể chờ đợi để sở hữu một món đồ ngoài tầm với của mình. Thay vì kiên nhẫn tích cóp trong thời gian dài để có đủ khả năng chi trả một lần, bạn chọn con đường tắt là mua trước và kiếm tiền bù lại sau.
Cách làm này không những có hại đến ví tiền của bạn, mà còn khiến bạn kiệt quệ sau mỗi lần mua sắm vì phải cật lực kiếm tiền bù vào sau đó. Hơn thế nữa, sự thỏa mãn khi sở hữu món đồ ấy sẽ phai nhạt rất nhanh, thay vào đó là nỗi lo lắng và stress khi hóa đơn ùn ùn kéo về.
Nếu bạn đã nghe về “thí nghiệm kẹo dẻo”, bạn sẽ hiểu được lợi ích của việc biết kiên nhẫn là vô cùng to lớn. Trong thí nghiệm kể trên, các em bé được cho một viên kẹo dẻo trước mặt và 2 sự lựa chọn: 1 là ăn viên kẹo đó luôn, hay là chờ đến khi người lớn quay lại và em sẽ được thêm 1 viên kẹo nữa.
Các nhà nghiên cứu sau đó ghi lại lựa chọn của các em bé tham gia, và tiếp tục theo dõi mức độ thành công trong học tập và công việc của các em trong nhiều năm về sau. Kết quả cho thấy, những em biết kiên nhẫn chờ đợi viên kẹo dẻo thứ 2 thể hiện tốt hơn trong trường học và có cuộc sống thành đạt hơn những em thiếu kiên nhẫn.
Do đó, thay vì sa đà vào những lời mời chào hấp dẫn của các cửa hàng, hãy tích cóp cho đến khi bạn đủ tiền để sở hữu món đồ ấy. Lúc đó, bạn không chỉ thành công trong việc duy trì tài chính ổn định, mà còn có được cảm giác thỏa mãn gấp nhiều lần khi sở hữu món đồ yêu thích.

4. Không bắt tay vào đầu tư ngay hôm nay

Bạn có biết một trong những bí quyết nào là then chốt đã giúp các triệu phú tự thân đạt được tài sản trong mơ không? Đó chính là: học cách đầu tư càng sớm càng tốt. Trong đầu tư, thời gian chính là liều thuốc tăng trưởng hữu hiệu nhất.
Khi bạn đầu tư, lãi suất bạn nhận được là lãi suất kép. Điều đó có nghĩa là bạn không chỉ thu lời trên số tiền gốc bạn bỏ ra, mà còn thu lời cả trên phần tiền lãi bạn kiếm được từ việc đầu tư tiền gốc. Đây chính là nguồn gốc của câu “tiền đẻ ra tiền”. Một phép tính đơn giản có thể cho bạn thấy bắt tay vào đầu tư sớm có thể đem lại lợi ích to lớn nhường nào.
Nếu bạn bắt đầu đầu tư vào năm 25 tuổi với 20 triệu mỗi năm vào một quỹ đầu tư có lãi suất khoảng 5%, đến năm bạn nghỉ hưu ở tuổi 60, bạn có thể thu về 12 tỷ. Tuy nhiên, nếu bạn đợi tới 34 tuổi mới bắt đầu, bạn chỉ thu về có 7 tỷ mà thôi. Sự chênh lệch này chính là cái giá mà bạn phải trả nếu không học cách đầu tư sớm hơn.
Ngoài ra, việc bắt đầu tham gia các loại hình đầu tư khi còn trẻ cũng đảm bảo rằng bạn có khả năng phục hồi tốt hơn nếu gặp phải rủi ro thua lỗ.
Vậy nếu bạn đã có một công việc với thu nhập ổn định và không có khoản nợ nào phải chi trả, hãy bắt đầu tiết kiệm và sử dụng nguồn tiền này để đầu tư sinh lời. Nằm vững 4 sai lầm này và cách ngăn ngừa chúng là con đường để bạn thiết lập một nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai sau này.
Theo Tri thức trẻ
 
? Tìm kiếm những lời khuyên của tôi về tiền bạc dành cho bạn thông qua cuốn sách: 101 lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm: https://tiki.vn/101-loi-khuyen-tai-chinh-ca-nhan-tu-thai…?