ĐIỂM TIN TÀI CHÍNH NGÀY 12/8/2022

Chào các bạn buổi sáng,
 
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày hôm qua vẫn đang rung lắc ở vùng Upthurst trong quá trình có thể test MA200. Tin tức thì cũng không có gì đặc biệt ngoại trừ chỉ số giá sản xuất PPI cũng hạ nhiệt tương tự chỉ số CPI https://www.investing.com/…/futures-extend-gains-ahead…. Cụ thể, chỉ số PPI giảm 0.5%, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 0.2%, theo một cuộc thăm dò của Dow Jones cho thấy. Chỉ số PPI không bao gồm thực phẩm và năng lượng tăng thấp hơn dự báo.
 
Ngoài ra, thị trường cũng cần tích lũy ở vùng hiện tại trước khi có các hành động mới. Cơ bản là FED vẫn tăng lãi suất đúng lộ trình mà thôi. Theo ông Wayne Wicker, Giám đốc đầu tư tại MissionSquare Retirement, nhận định: “Trong khi nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm khi lạm phát đang giảm, điều đó không thay đổi thực tế là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất… Tôi không chắc vào thời điểm này rằng mọi người muốn đưa ra dấu hiệu rõ ràng, nhưng tôi nghĩ tâm lý thị trường tốt hơn nhiều so với 60 ngày trước đó”.
 
Các quan chức FED thì vẫn ủng hộ tiếp tục tăng lãi suất tới hết 2023 https://vietstock.vn/…/du-lam-phat-ha-nhiet-hai-quan… bởi còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát.
 
Về vấn đề FED tăng lãi suất như thế nào và các cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới, cũng như các rủi ro, tôi đã chia sẻ trong video hôm qua livestream ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=IJiBDhMmWQc. Bạn nên xem lại.
 
Cơ bản thì các dòng nóng sẽ bị chốt lời, index có thể rung lắc nhưng dòng tiền sẽ ở lại thị trường và xoay vòng liên tục.
 
Quan trọng là bạn sẽ làm gì và quản trị rủi ro ra sao.
 
Chúc các bạn có một kết tuần tốt. Và hi vọng tôi cũng tìm ra 5 chủ nhân tặng 5 cuốn sách 101 lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm của tôi đầu tháng 9 cho các bạn dự báo index đúng hôm nay ở video.
 
God Bless!
 
Tuyên bố trách nhiệm/Disclaimers:
 
1. Quan điểm trong bài viết/video này là quan điểm cá nhân của tôi, tác giả. Tôi có thể không đúng, nhưng tôi sẽ góp thêm cho bạn nhiều góc nhìn khác nhau về vấn đề bạn quan tâm.
2. Điểm tin, bài viết, video nhằm phục vụ mục đích giáo dục, educational purpose, cho các độc giả, nhà đầu tư đọc sách của Happy Live. Nó không nhằm ý định khuyến nghị hay mua hay bán các tài sản tài chính khác nhau (chứng khoán, bất động sản, crypto, vàng,…). Các bạn có thể tham khảo quan điểm của tác giả. Và, bạn tự hành động, tự chịu trách nhiệm với hoạt động mua bán của chính mình (lời hay lỗ).
3. Nếu có ai đó (báo chí, truyền thông, kênh truyền thông, các trang tin, web, app, hay cá nhân nào đó…) đăng và trích lại bài viết hoặc video, xin quý vị vui lòng trích nguyên văn bài viết, video và cả mục tuyên bố trách nhiệm/Disclaimers này của tác giả. Xin cám ơn!

HÃY SỐNG LÀ CHÍNH MÌNH

Không cần nỗ lực để nhận được sự tán thưởng từ người khác. Chỉ cần nỗ lực để tốt hơn từng chút mỗi ngày.
Không ai có quyền chấm điểm cho sự nỗ lực của bạn cả, trừ chính bạn!
Bạn là người quyết định cuộc sống của bạn sẽ ra sao ?
P/S: Chào ngày mới, chào những mục tiêu mới.
– Thai Pham Happy Live – Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn

TẠI SAO BẠN NGHÈO?

“Những người nghèo thường thích “nói” nhiều. Họ luôn luôn có những kế hoạch thần sầu để trở thành một đại gia “top ten” của quốc gia hay thế giới. Kế hoạch luôn thay đổi vì chưa làm gì thì đã có một ý tưởng mới hay hơn, tốt hơn. Hoặc có làm thì thường bỏ cuộc sau 5 phút vào trận đấu vì thực tế thị trường không tươi đẹp như trên giấy tờ hay các khẩu hiệu.”
 
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
 
Một bạn để ý là tôi có nhiều sách về những câu châm ngôn phát đi từ các danh nhân và triết gia trong tủ sách. Được hỏi câu nào mang nhiều ý nghĩa nhất, tôi buột miệng theo tiềm thức, “Nghèo là một cái tội.” Trước khi ném đá và giương cao ngọn cờ “đấu tranh giai cấp”, xin các bạn cho ông già này giải thích.
 
Tôi đã nhiều lần rỗng túi, chạy quanh đường phố để suy nghĩ mà không biết ngày mai tiền sẽ từ đâu đến để trả cho cả trăm cái bills (hóa đơn). Tôi cũng đã từng có rất nhiều tiền mà suốt ngày phải họp với các chuyên gia thuế vụ để tìm cách làm “giảm hay hoãn” thuế. Nhìn lại, dù có tiền hay không, hạnh phúc hay đau khổ của tôi trong những hoàn cảnh này đều không liên quan đến tiền. Tuy nhiên, dù khóc hay cười, tôi nghiệm ra một điều là “có tiền” thì vẫn thú vị hơn. Mặt khác, tôi cũng có thể chắc chắn một điều: dù “không tiền”, tôi vẫn chưa bao giờ “nghèo”.
 
“Nghèo” không đơn thuần chỉ là “không tiền”. Dưới góc nhìn chủ quan của tôi, một con người toàn diện phải hội đủ 6 thành tố: sức khỏe, trí tuệ, tinh thần, tâm linh, xã hội và tài chánh.Một người có nhiều tiền nhưng nghèo sức khỏe vẫn hoang phí tháng ngày. Nghèo kiến thức thì dù là một đại gia vẫn được xếp vào hạng ngu. Cha mẹ cho rất nhiều tiền nhưng tinh thần và tâm linh kém cỏi, yếu đuối thì trước sau gì cũng đi vào khổ lụy. Thêm nữa, dù có một gia đình bền chặt và một kết nối xã hội tốt, bạn vẫn không làm gì được cho ai nếu không có tài chánh.
“Nghèo” là người không có gì để “cho”. Dĩ nhiên, ta không thể cho những gì ta không có.
 
Ngoài những người bất hạnh với tật nguyền bẩm sinh, sứ mệnh của con người theo nhiều tôn giáo, triết thuyết… là để đóng góp một “cái gì đó” cho tha nhân. “Nghèo” hay không có gì để đóng góp có phải là một tội lỗi?
 
Tôi nhận xét một điều là ở Việt Nam, người dân không thiếu cơ sở hay dữ kiện để truy cập và phát triển về những yếu tố quan trọng như trí tuệ, tinh thần, tâm linh, xã hội, gia đình hay sức khỏe. Trong khi đó, vì chuyện chính trị là một vùng nhậy cảm cho nhà cầm quyền, nên kiến thức về kinh tế tài chánh lại thiếu hụt, kém chính xác và luôn bị những định hướng chính trị bẻ cong.
 
Do đó, trong bài viết này, tôi sẽ giới hạn suy nghĩ của mình về yếu tố tài chánh. Tôi cố gắng phân tích ra những lý do cốt lõi đã gây nên cái nghèo “tiền” cho gần 90% dân số. Dĩ nhiên, tiền không phải là hiện thân của tất cả giá trị con người, nhưng từ ngàn xưa, văn hóa Đông Phương đã hiểu rằng, “dân có giàu, nước mới mạnh”. Giàu phải là một nghĩa vụ quốc gia, mà tôi cho rằng cũng quan trọng không kém nghĩa vụ quân sự hay văn hóa.
 
1. Tư duy nghèo
 
Từ nhỏ và ngay cả khi bắt đầu biết đọc sách, suy nghĩ, tâm trí của tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ một văn hóa và môi trường “ghét người giàu, và đồng hóa cái nghèo với trong sạch”. Dù chế độ VNCH cũ được coi như là một tiền đồn của chủ nghĩa tư bản, chánh phủ vẫn giáo dục người dân về các “tội lỗi” của người giàu.
 
Từ chánh phủ với chính sách “người cầy có ruộng” hay “xây nhà bình dân” đến trong lớp học, ngoài đời, văn hóa “thanh bần và trọc phú” là những biểu hiện thường trực. Những câu chuyện khổ nạn của Oliver Twist, Les Miserables, Grapes of Wrath… rất phổ biến, tạo một tư duy “nửa xã hội nửa tiểu tư sản”. Nếu sinh ra thời đó, Bill Gates, Warren Buffett… có lẽ là những tên tuổi xấu thay vì được ngưỡng mộ như gần đây.
 
Descartes nói, “Je pense, donc je suis” (tôi trở thành người tôi nghĩ). Mỹ có thành ngữ, ”Tư duy tạo nên hành động, hành động tạo thói quen, thói quen tạo cá tính và cá tính tạo định mệnh.” Một tư duy “nghèo” chắc chắn phải đem đến một định mệnh “nghèo”.
 
2. Kiến thức nghèo
 
Trong những người giàu có mà tôi hân hạnh được quen biết, họ đều chia sẻ một cá tính chung “rất chịu khó học hỏi tìm tòi và sẵn sàng chấp nhận những mới lạ thay đổi”. Ngoài các quan chức và đại gia làm giàu nhờ quan hệ dựa trên quyền lực, ngay cả những người giàu từ các chế độ XHCN đều thể hiện tinh thần và phong thái cởi mở nói trên.
Người Do Thái suy nghĩ rất nhiều về tiền bạc, nhưng họ cũng chịu khó bỏ ra một số lượng thời gian khá lớn để học hỏi các phương cách làm giàu, từ gia đình bạn bè hay sách vở kinh giảng. Trong trường đại học của tôi, có nhiều social clubs (câu lạc bộ) cho các sinh viên có chung sở thích từ thể thao, từ thiện, chính trị… đến toán học, kịch nghệ hay tranh luận (debate). Nhiều bạn Do Thái chỉ gia nhập how-to-get-rich clubs (làm giàu).
 
Người Trung Quốc cũng đam mê giàu có từ bản chất. Họ rất bén nhậy với cơ hội, cần cù, nâng đỡ nhau trong các bang hội…để cùng làm giàu. Họ thực tế, không hoang tưởng và mặc cho sự giáo huấn của đảng cộng sản 70 năm qua, bản sắc làm giàu vẫn tiềm tàng mạnh trong mỗi gia đình và cá nhân.
 
Làm giàu là một hành trình lâu bền và khổ cực. Kiến thức là phương tiện quan trọng để thâu ngắn chặng đường. Nghèo kiến thức thì nghèo kết quả.
 
3. Môi trường nghèo
 
Một đặc điểm của tôn giáo Do Thái là việc đề cao sự giàu có vật chất. Trong khi Ki Tô Giáo và Phật Giáo khuyến thị tín đồ phải “ép xác” hay “tránh tham” để tự giải thoát tinh thần và tâm linh khỏi vòng khổ nạn, lãnh tụ các tôn giáo này thường nâng cấp góc cạnh “nghèo” qua các bài giảng. Kết quả là một đa số quần chúng coi giàu là một tội lỗi, người giàu là một địch thủ. Sự thù hận, đố kỵ này được các chính trị gia Mác Lê lợi dụng triệt để để thâu tóm quyền lực, tạo nên một môi trường “của người nghèo, do người nghèo và vì người nghèo”. Dĩ nhiên, đó chỉ là thủ đoạn, họ và các phe nhóm hay con cháu… thì không bao giờ nghèo.
 
Ngay cả trong những nước tư bản tự do làm giàu, một đứa trẻ sinh ra trong một môi trường nghèo như tại các khu ổ chuột thành phố, hay các vùng quê xa xôi hẻo lánh, thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi con người và hoàn cảnh bao quanh. Trừ một thiểu số có ý chí và tư duy mạnh mẽ, đa số âm thầm chịu đựng rồi đổ thừa cho số mệnh. Câu “cái số mình nó thế” nghe rất quen thuộc ở những môi trường nghèo.
 
Con người có đặc tính “bầy đàn”. Khi đám đông nghèo thì ta cũng “hạnh phúc” với cái nghèo, biện luận là phải “chia sẻ” với láng giềng. Nhiều người lại còn tự hào về cái hạnh phúc trong nghèo đói của mình.
 
4. Nghèo hành động
 
Tôi quan sát (hoàn toàn chủ quan, không kiểm chứng được) là những người nghèo thường thích “nói” nhiều. Họ luôn luôn có những kế hoạch thần sầu để trở thành một đại gia “top ten” của quốc gia hay thế giới. Kế hoạch luôn thay đổi vì chưa làm gì thì đã có một ý tưởng mới hay hơn, tốt hơn. Hoặc có làm thì thường bỏ cuộc sau 5 phút vào trận đấu vì thực tế thị trường không tươi đẹp như trên giấy tờ hay các khẩu hiệu.
 
Nói chung, họ thích nhàn (không muốn nhận là lười biếng) và coi đây là một triết lý sống khôn ngoan. Nếu nhờ chút mánh mun mà kiếm được tiền hay quyền, họ sẽ coi họ là đỉnh cao của xã hội. Nói phét, nổ bậy… trong các bàn tiệc nhậu nhẹt be bét là một thói quen rất dễ nhận ra.
 
Nhiều người nghèo khác thì lười nhưng thích ra dáng trầm uất, bất cần đời… hay khơi động lòng thương hại của người khác. “Xin-cho”, “ăn mày quá khứ”… là những hành xử phổ thông của các nhóm nghèo này.
 
5. Chọn bạn nghèo
 
Một châm ngôn thông dụng của Âu Mỹ là “bạn cho tôi biết thu nhập của 5 người thân thiết nhất trong đời bạn, và tôi sẽ tính ra con số thu nhập trung bình của bạn”. Á Đông thì rõ ràng hơn, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
 
Tôi nhớ những ngày còn trẻ, tôi hay la cà cùng bạn bè ở quán cà phê, quán rượu, garage nhà hàng xóm. Chúng tôi miên man mơ mộng và nói về những tương lai khi chúng tôi giúp nhau giàu có để trả hận đời. Một ngày, tôi chợt nhận ra là tất cả bạn này đều nghèo rớt mồng tơi như tôi. Tụ họp ngày ngày với nhau, tôi chắc chắn tương lai duy nhất của chúng tôi là sẽ trở thành những ông già nghèo rớt mồng tơi. Sau khi nhận ra chân lý, tôi dứt khoát rời bỏ đám đông “tình nghĩa” này đề đi tìm cho mình một tương lai khác.
 
Qua những trải nghiệm và suy nghĩ của mình, tôi đúc kết 5 nguyên nhân cốt lõi trên mà tôi cho rằng đang cột chặt bạn với cái nghèo. Tôi có thể sai, tôi còn nhiều thiếu sót, tôi có nhiều định kiến chủ quan… Có lẽ vậy. Nhưng đây là kết luận của một người đã từng rất nghèo, rất ngu và biết thay đổi kịp thời.
 
Quốc gia nghèo
 
Một điều nữa. Khi chia sẻ với nhau, nhiều bạn có gởi tôi những cuốn sách, những bài khảo luận về đề tài “lý do khiến một quốc gia nghèo”. Có những lý thuyết rất cao siêu từ tháp ngà hàn lâm (vì chúng làm tôi ngủ thật ngon sau vài trang), có những khôn ngoan rất dễ hiểu (như các bài viết hay phát ngôn của Warren Buffett). Tuy nhiên, tôi cho rằng 5 lý do khiến một cá nhân nghèo như tôi đã trình bày, cũng rất giống 5 lý do cốt lõi khiến một quốc gia nghèo.
 
Nói về lý do chọn bạn chẳng hạn. Nhìn qua lịch sử, bạn của anh nhà giàu Hoa Kỳ thường giàu theo như Tây Âu, Nhật, Úc, Singapore… Còn bạn của các anh Liên Xô, Trung Quốc, Cuba…vẫn nghèo rớt mồng tơi (ngôn ngữ Việt phong phú nhỉ).
 
Văn hóa Á Đông thường chê trách về chuyện “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Tôi không dám nói về chuyện vợ chồng vì sẽ bị ném đá, ngay tại nhà. Nhưng nếu có những ông bạn suốt ngày cứ ca tụng chuyện nghèo, tôi sẽ không ngần ngại tránh xa. Họ độc hại hơn các hóa chất trong thực phẩm của Trung Quốc. Lỡ ăn nhầm, vẫn có thể vào bệnh viện bơm ruột. Nhưng nếu tư duy nghèo đã ăn vào trí não và xương tủy, thì cả cuộc đời trở thành lãng phí.
 
Tôi nhớ một câu message (tin nhắn) thú vị, nhiều người thâu vào hộp thư thoại (voice mail box) của họ, ”Xin để lại tên và điện thoại của bạn. Tôi đang tìm cách thay đổi đời mình. Nếu tôi không gọi lại bạn, thì bạn nên hiểu bạn là một trong những thay đổi đó”. Không biết bao giờ các lãnh đạo mới can đảm nói với “xứ lạ” điều này?
 
-TS Alan Phan-
 

MUỐN VƯƠN TỚI THÀNH CÔNG, HÃY KỶ LUẬT VỚI BẢN THÂN

1. KỶ LUẬT CHÍNH LÀ TỰ DO

“Kỷ luật chính là tự do” – Có thể bạn sẽ không đồng ý với phát biểu trên và chắc chắn nhiều người cũng thấy như thế. Người ta thường cho rằng kỷ luật là một từ kinh khủng và nó đồng nghĩa với việc m.ất tự do.

Thực tế thì ngược lại, nhà giáo dục nổi tiếng Stephen R. Covey đã nói rằng “người vô kỷ luật sẽ chỉ là nô lệ cho cảm xúc, sự thèm muốn và say mê.” Về lâu dài, người vô kỷ luật sẽ thiếu đi sự tự do mà bản thân có được vì tính bừa bãi.

Kỉ luật bản thân là hành động dựa vào lý trí thay vì cảm xúc nhất thời của bạn. Nó là việc vượt qua lòng ham thích và nỗi sợ trong hiện tại vì mục đích ý nghĩa hơn cho cuộc sống. Vì thế, tính tự kỷ luật giúp cho bạn:

– Tiếp tục thực hiện các ý tưởng trong công việc khi sự nhiệt tình, hăng hái ban đầu đã bị xuống dốc.

– Đi đến phòng tập khi bạn muốn nằm dài và xem TV.

– Dậy sớm để làm những việc bạn phải làm trong ngày.

– Nói “không” với việc ăn uống bừa bãi.

– Tự kiểm soát sự “n.g.h.i.ệ.n ngập” với mạng xã hội.

Tính tự kỷ luật từng là điểm yếu của phần lớn chúng ta, kết quả hiển nhiên là bạn sẽ thấy mình thiếu khả năng để làm vô số việc mà mình muốn. Chẳng có ai muốn chui ra khỏi chăn trong một ngày rét buốt, nhưng ham muốn ấy nên chịu sự kiểm soát bởi lý trí có mục đích của mỗi người.

2. PHẢI HIỂU CHÍNH MÌNH TRƯỚC

Tự kỷ luật nghĩa là hành xử theo điều mà bạn thấy là tốt nhất, bất kể cảm xúc của bạn trong hiện tại ra sao. Chính vì thế đặc điểm đầu tiên của sự tự kỷ luật là phải tự nhận biết. Bạn cần quyết định xem hành động nào sẽ là tốt nhất cho mục tiêu và giá trị của bạn. Quá trình này cần xem xét bên trong bản thân bạn, để hiệu quả nhất thì bạn nên viết nó ra.

Khuyên bạn nên dành thời gian viết ra mục tiêu, mơ ước và tham vọng của mình. Tốt hơn nữa thì hãy viết ra mong muốn lớn nhất đời mình. Việc viết ra như vậy giúp bạn hiểu rõ hơn mình là ai, thứ mà mình mong muốn và những giá trị với chính mình.

3. NHẬN THỨC THẾ NÀO LÀ THIẾU KỶ LUẬT

Tự kỷ luật phụ thuộc vào việc nhận thức cả cái bạn đang làm và không đang làm. Bởi lẽ, nếu bạn không nhận thức được hành động của mình là thiếu kỷ luật thì làm sao bạn có thể hành động khác đi được cơ chứ?

Khi bạn bắt đầu xây dựng tính tự kỷ luật, bạn sẽ nhận thức thấy mình đang làm những việc vô kỷ luật – ví dụ như c.ắn móng tay, bỏ tập thể dục, phá vỡ chế độ ăn kiêng hoặc kiểm tra fb và mail liên tục.

Phát triển tính tự kỷ luật cần có thời gian, tuy nhiên chìa khóa ở đây là bạn phải nhận thức được hành vi thiếu kỷ luật của mình. Dần dần nhận thức này sẽ đến sớm hơn, nghĩa là thay vì thấy sự vô kỷ luật của mình trong khi đang làm những việc đó thì bạn sẽ nhận thức được điều đó trước khi bạn hành động như vậy. Nó tạo cơ hội cho bạn ra quyết định hành động đúng với mục tiêu và giá trị của mình.

4. TỰ ĐƯA RA CAM KẾT

Không chỉ là viết ra mục tiêu và giá trị của bản thân. Bạn cần phải có sự cam kết bên trong chính bản thân đối với những điều đó. Nếu không, khi chuông đồng hồ reo lúc 5h sáng thì bạn sẽ thấy chẳng hại gì nếu bấm nút tắt và tự nhủ “thêm 5-10 phút nữa thôi”. Hoặc khi nhiệt huyết và tinh thần ban đầu đã đi xuống, bạn sẽ thấy rất khó khăn để hoàn thành đến cuối kế hoạch của mình.

Nếu bạn đang giằng co với sự cam kết, hãy quả quyết rằng bạn cần theo đuổi những gì mình đã nói là sẽ làm – bao gồm lúc bạn nói như thế và cách mà bạn đã cam kết.

5. CAN ĐẢM ĐỂ ĐỔI LẤY NHỮNG GÌ TỐT ĐẸP HƠN

Không hề sai khi nói tự kỷ luật là một việc cực kỳ khó. Cảm xúc, sự thèm muốn và si mê là một lực cản rất lớn. Chính vì thế sự tự kỷ luật phụ thuộc rất nhiều vào sự can đảm.

Đừng giả vờ việc gì đó là dễ dàng đối với bạn trong khi thực tế nó rất khó khăn và gian khổ. Thay vào đó, hãy tìm kiếm lòng can đảm để đối mặt với khó chịu và mệt mỏi. Hãy bồi đắp dần bởi những chiến thắng bản thân nhỏ nhặt, sự tự tin của bạn sẽ lớn mạnh hơn và lòng can đảm để có được tính tự kỷ luật sẽ đến dễ dàng hơn.

6. CÁI GIÁ CỦA SỰ KỶ LUẬT ÍT HƠN NHIỀU SO VỚI SỰ HỐI TIẾC

Hãy khắc ghi câu nói này khi đang cảm thấy do dự hoặc sắp làm gì đó sai trái. Bạn có thể mất một vài năm của hiện tại để đổi lấy 20, 30 năm hay thậm chí là toàn bộ năm tháng còn lại của cuộc đời mỉm cười trong mãn nguyện.

Hoặc ngược lại, thả mình trôi vô định và không thuộc về bất cứ khuôn khổ nào hết? Suy cho cùng, đó là cách nghĩ và quan điểm của bạn. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh chưa có bất kì tấm gương thành công nào lại không kỷ luật và nghiêm khắc với bản thân.

Nguồn: Người Bản Lĩnh
Cre: Thai Pham page sưu tầm

#thiết_kế_cuộc_đời_thịnh_vượng #ThaiPham

– Thai Pham Happy Live – Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn

NGÀY MỚI NĂNG LƯỢNG CÙNG THÓI QUEN TÍ HON – TIỀM NĂNG KHỔNG LỒ

Nhiều người nghĩ rằng khi bạn kết nối với ai đó và đưa ra đôi chút giá trị, bạn có thể ngay lập tức nhận được giá trị từ họ bằng cách yêu cầu lợi ích, ưu ái,… Họ đã mắc sai lầm lớn!
 
Đừng yêu cầu những người quan trọng mà bạn vừa gặp phải ngay lập tức thực hiện một điều gì đó cho bạn với giá trị tương xứng hoặc ít hơn so với việc bạn đã làm cho họ. Hãy hình dung chất lượng của các kết nối và mối quan hệ bạn xây dựng tựa như tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Tất cả những gì bạn làm cho người khác được ví như tiền vốn ban đầu. Bạn chỉ bắt đầu rút tiền từ tài khoản dưới hình thức nhận lại giá trị dựa vào mối quan hệ sau khi đã tích lũy đủ số tiền gửi vì khoản vốn gốc tăng trưởng đáng kể.
Để kết nối một cách chiến lược, bạn phải có khả năng xây dựng mạng lưới mối quan hệ của mình trước khi bạn cần tận dụng nó. Bạn phải trở nên thoải mái với việc gặp gỡ mọi người và nuôi dưỡng các mối quan hệ mà không vụ lợi. Bạn sẽ thấy rõ bài học này thông qua ví dụ của Sergio Zyman, cựu giám đốc marketing huyền thoại, từng làm tăng giá trị thị trường của Coca Cola từ 56 tỷ đô la lên đến 193 tỷ đô la, tức tăng 3.4 lần trong vỏn vẹn năm năm.
 
Trong cuốn sách “Marketing Giỏi Phải Kiếm Được Tiền” của mình, Sergio Zyman chia sẻ về thời gian sinh sống tại Atlanta, một thành phố đáng sống với cây xanh bao phủ khắp nơi. Đây cũng là thành phố lâu đời, điều này có nghĩa hệ thống đường điện ở đây đã được thiết lập từ lâu với những cột điện và mạng lưới dây cáp chằng chịt từ cột này đến cột kia. Như bao người dân sinh sống ở đây, ngôi nhà của Sergio Zyman sử dụng điện do công ty điện lực độc quyền Southern Company cung cấp, thứ mà ông không thể mua ở bất kỳ chỗ nào khác. Vậy mà hàng năm, vào dịp giáng sinh giám đốc điều hành gửi đến những dòng thư cảm ơn cho 10.000 khách hàng vì đã sử dụng dịch vụ của họ và chúc khách hàng một kỳ nghỉ lễ vui vẻ. Ban đầu, Sergio nghĩ rằng toàn bộ việc làm này có chút ngớ ngẩn, vì vốn dĩ không chúc mừng, khách hàng vẫn chấp nhận sử dụng dịch vụ này. Để rồi nhiều năm về sau, ông mới hiểu lý do tuyệt vời như thế nào. Vùng đất Atlanta nằm ở miền Nam nước Mỹ, nên thường gặp nhiều cơn bão, khi đó cây cối thường bị thổi bay và nếu cây đổ vào cột điện sẽ dẫn đến các cột điện bị gãy, gây mất điện.
 
Thực tế, Atlanta từng bị mất điện trong 10 ngày, nhiều công ty điện đã bị kiện vì cung cấp dịch vụ không đúng như cam kết, ngoại trừ công ty của ông giám đốc nọ. Vì sao vậy, vì mọi người đã nhớ đến sự tử tế mà vị giám đốc ấy đã trao gửi cho họ trong nhiều năm liền. Từ tức giận, thái độ khách hàng chuyển thành “tôi biết họ (công ty điện lực) đang cố gắng sửa chữa đường điện nhanh nhất có thể”, họ nói mình không thể kiện một người tốt, một người quan tâm đến cuộc đời của họ. Về phía người giám đốc điều hành, ông hiểu một cách rõ ràng rằng không sớm thì muộn ông sẽ cần khách hàng đứng về phía mình nếu có tranh tụng xảy ra. Không chắc rằng ông có cố ý để hành xử như vậy hay không, nhưng ông đủ thông minh để thiết lập mối quan hệ khách hàng thân thiết từ sớm. Bài học này không chỉ áp dụng trong việc thiết lập mối quan hệ với khách hàng mà còn cả các mối quan hệ khác trong cuộc sống.
-Trích Thiết kế cuộc đời thịnh vượng-
– Thai Pham Happy Live – Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn
Tìm đọc quyển sách Thiết kế cuộc đời thịnh vượng tại đây: https://bit.ly/thiet-ke-cuoc-doi-thinh-vuong-phien-ban-moi
Chào buổi sáng các bạn!