Điểm tin tài chính đầu tuần 22/4/2019

Chào các bạn hữu buổi sáng sớm! Good morning early birds!

Chúng ta chuẩn bị bước vào tuần nghỉ lễ 30/4-1/5, và sau đây là những tin tức tổng hợp của kinh tế thế giới cần quan tâm trong tuần:

1. U.S GDP

Các số liệu chi tiết hơn về tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ trong quý 1 năm 2019 sẽ được công bố vào ngày thứ 6 tuần này. Năm ngoái, quý 1/2018 thì GDP của Mỹ tăng 2.2%

Trong quý 1 năm 2019, các nhà kinh tế đang khá lạc quan về tăng trưởng vì những số liệu kinh tế tuần trước đã cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đã được thu hẹp khi Trung Quốc đã nhập khẩu một lượng hàng hóa rất lớn như một lộ trình nhằm thúc đẩy Trade-deal với Mỹ.

Các dữ liệu về bán lẻ của Mỹ cũng đã có những tăng trưởng tốt nhất trong thời gian gần đây.

Chúng ta sẽ cùng chờ xem là GDP quý 1 của Mỹ có tăng cao vượt dự báo y như là GDP quý 1 của Trung Quốc không!

2. Các báo các kinh tế khác:

Tuần này, vào ngày thứ 5 chúng ta cũng sẽ nhìn vào một số báo cáo khác về các đơn đặt hàng cho những hàng hóa lâu bền (durable goods) trong tháng 3, dự kiến sẽ tăng khoảng 0.7% so với mức giảm 1.6% trong tháng 2.

Đặc biệt tuần này chúng ta sẽ cùng xem tâm lý tiêu dùng của người tiêu dùng Mỹ sẽ như thế nào trong dữ liệu data vào ngày thứ 6.

3. Mùa báo cáo thu nhập bắt đầu vào giai đoạn cao điểm nhất!

Tuần này tiếp tục là tuần các báo cáo thu nhập quý 1/2019 tiếp tục ‘nở rộ’ trên thị trường Mỹ. Nhóm tech-stocks sẽ ra những báo cáo quan trọng về thu nhập như Amazon, Facebook, Twitter,… Tesla.

4. Động thái của các ngân hàng Trung Ương thế giới

Các ngân hàng trung ương thế giới như Nhật, Canada và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhóm họp trong tuần. Trong đó đáng chú ý với Việt Nam là Ngân hàng TW Nhật.

Theo dự báo, Ngân hàng trung ương Nhật sẽ tiếp tục chương trình kích thích kinh tế và duy trì lãi suất ở mức thấp nhất để hỗ trợ sự phát triển của kinh tế (Theo Abenomics) nhằm đạt được mức lạm phát mục tiêu ở 2%/năm. Tuy nhiên, khả năng khả năng lạm phát đạt 2%/năm là khá khó khăn trước những lùm xùm về thương mại của Mỹ Trung gần đây.

Về cơ bản, với Việt Nam điều này khá quan trọng. Tiền “rẻ” của Nhật Bản sẽ tiếp tục “lang thang” đi tìm cơ hội đầu tư và trong đó nhu cầu đầu tư vào Việt Nam của Nhật là rất lớn!

Những thương vụ Nhật mua các công ty Việt Nam trên sàn như Taisho với DHG, hay mua PAN làm chiến lược, rồi Mizuho mua VCB làm đối tác chiến lược… thì chỉ là bề nổi nhìn thấy, trong thực tế quá trình này còn sẽ diễn ra quyết liệt hơn.

Trong một số diễn biến khác thì những công ty phần mềm hiện có thị trường Nhật Bản lớn thì cũng hưởng lợi vì sức mua và nhu cầu tiêu thụ các loại phần mềm gia công tại thị trường Nhật Bản này sẽ… rất lớn.

5. Trade-deal giữa Mỹ – Nhật

Trade deal này sẽ diễn ra thông minh và đơn giản hơn Trade-deal của Trung Quốc – Mỹ, một phần nhờ việc Mỹ – Nhật là đồng minh, đồng đạo. Phần nữa là vì Thủ Tướng Nhật ông Shinzo Abe quá khéo và quá giỏi.

Ông sẽ dự kiến hội đàm với TT Donald Trump tại Nhà Trắng vào thứ 6 để bàn trực tiếp về Trade-deal này và thêm nghị sự về chương trình dỡ bỏ vũ khí hạt nhân tại Bắc Triều Tiên.

Về cơ bản trong tuần mới chúng ta hãy cùng theo dõi 5 sự kiện này sẽ ảnh hưởng lớn đến tư bản và sự vận động của nó trên thế giới thời gian tới.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi sẽ ít điểm tin hơn vì em nó bây giờ cũng dễ đoán rồi, và sự tập trung của toàn bộ tạo lập đang là “đi ăn” miếng bánh Phái sinh.

VN30 thì dễ bị tác động bởi 1 vài cổ phiếu large-cap cực kì dễ chi phối nên một chỉ số VN30 mới và một luật chơi mới có lẽ sẽ phù hợp hơn cho những người chọn indexing game khi luật chứng khoán mới được phê duyệt vào cuối năm + điều chỉnh rổ VN30 mới.

Còn anh em bạn hữu thì cứ chọn theo các cổ phiếu có dòng tiền và có cơ bản tốt theo CANSLIM system và hệ thống 4M mà mần ăn.

Hoặc là cổ phiếu có tính phòng thủ cao cũng là một sự lựa chọn không tồi.

Chúc quý vị một tuần giao dịch may mắn trước kỉ nghỉ lễ 30/4-1/5.

-Morning news by Thai Pham Happy Live- 
*** 22 Apr 2019 ***