Chào các bạn hữu buổi sáng sớm! Good morning early birds!
Chào tháng mới với những hi vọng mới as always.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc phiên cuối tuần trước với một phiên giảm điểm và chúng ta đã cùng cập nhật với nhau tình hình >> ở đây
Nhìn chung là mọi thứ đã diễn ra theo kịch bản với xác suất cao mà chúng ta đã đề cập tới 2 tuần trước.
Bước sang tuần này, chúng ta sẽ cùng lưu ý tới một vài sự kiện sau sẽ ảnh hưởng đáng kể tới thị trường chứng khoán thế giới và cả Việt Nam (Việt Nam luôn có độ trễ hơn chút).
1. Tiếp tục các diễn biến của Căng thẳng thương mại và lo ngại giảm tốc của nền kinh tế.
TT Trump ngày hôm thứ 6 đã công bố những biểu thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico (mức 10%) và biểu thuế mới nhất 25% sẽ áp dụng với 200 tỉ hàng hóa Trung Quốc chính thức đã áp dụng từ ngày 1/6 là 2 tin tức cập nhật mới nhất về các căng thẳng thương mại toàn cầu.
Tuần này, chúng ta lại tiếp tục theo dõi những diễn biến mới nhất xoay quanh các chiến dịch tit-for-tat giữa 2 bên Mỹ-Trung và đặc biệt là cuộc chiến 5G nóng bỏng (vì sao lại là chiến nhau về 5G thì thứ 4 7.30PM tôi sẽ có một video nói về chủ đề này cho các bạn hữu)
2. Số liệu U.S. nonfarm payrolls được công bố vào thứ 6.
Ngày thứ 6 tuần này cũng là ngày công bố dữ liệu U.S. nofarm payrolls của tháng 5 với hàng loạt các dữ liệu kinh tế đối lập đan xen.
Đây là một báo cáo rất quan trọng.
(Dành cho bạn mới tìm hiểu: Nonfam Payrolls viết tắt NFP là một phần của Báo cáo tình hình việc làm, do Bộ Lao động Hoa Kỳ (United States Department of Labor) phát hành. Báo cáo Nonfarm Payrolls bao gồm ba thành phần chính: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động; Tỷ lệ thất nghiệp; Thu nhập trung bình hàng giờ.
Báo cáo Nonfarm Payrolls được quan tâm nhiều nhất bởi vì nó đo lường số lượng lao động được trả lương thực tế (toàn bộ và bán thời gian).
NFP – Nonfarm Payrolls là bản tin có tác động rất mạnh đến thị trường Forex. NFP Thống kê số lượng việc làm bị mất đi hoặc thêm vào nền kinh tế trong tháng trước đưa ra một cái nhìn sâu sắc quan trọng về sức khỏe kinh tế của một quốc gia, vì công việc (và tạo việc làm) là chìa khóa cho kỳ vọng của các nhà giao dịch về triển vọng kinh tế trung và dài hạn của một quốc gia.
Dữ liệu việc làm được công bố đại diện cho tất cả công nhân Hoa Kỳ được trả lương tại bất kỳ doanh nghiệp nào, ngoại trừ:
• Tư nhân (hộ gia đình)
• Nhân viên phi lợi nhuận
• Nông dân làm việc ở các nông trại.)
Nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ có thêm 183.000 việc làm mới, tỉ lệ thất nghiệp thấp ổn định ở mức 3.6%.
3. Chủ tịch Ngân hàng Chung châu Âu ông Mario Draghi sẽ tiếp tục gói kích thích nền kinh tế (dự kiến công bố ngày thứ 5) với hàng loạt những khoản cho vay hào phóng cho các doanh nghiệp và cũng tiếp tục để ngỏ cửa cho nhiều hơn những gói kích thích khác.
Kế hoạch này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế chung của khu vực châu Âu vẫn khá ảm đạm, căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và một lần nữa thì Ý lại đang xung đột với Ủy Ban Châu Âu, nền kinh tế Đức thì tăng trưởng yếu và cả Châu Âu với “bài ca muôn thuở Brexit” chưa giải quyết xong.
“Chúng tôi nghĩ rằng (NHTW EU) sẽ có khả năng tiếp tục bồ câu hơn nữa (hơn dự kiến) là điều gần như chắc chắn”. Báo cáo của Morgan Stanley cho hay.
4. Ngân hàng Úc cũng sẽ cắt giảm lãi suất tiếp tục trong tuần này.
Úc được kì vọng sẽ cắt giảm lãi suất trong tuần này (là quốc gia thứ 2 trong nhóm kinh tế phát triển cắt giảm lãi suất) xuống mức 1.25% – thấp kỉ lục sau cuộc họp ngày thứ 3 tuần này.
Dự kiến đây cũng là mức cắt giảm đầu tiên sau 3 năm của ngân hàng TW Úc
“Chúng ta sẽ rất ngạc nhiên nếu RBA (NHTW Úc) không nới lỏng tiền tệ trong cuộc họp ngày 4 tháng 6 này. Thị trường dĩ nhiên đã chuẩn bị đề pa (geared up) với điều đó, và Bloomberg poll cũng cho thấy là 87.2% xác xuất cắt giảm lãi suất ở lần họp này” Báo cáo của ING cho biết.
“Trước tháng 8 2019, thị trường đang mong đợi 1 xác suất cắt giảm lãi suất 50% khi RBA có thêm dữ liệu về lạm phát, cũng như thông tin về thị trường lao động”
Ngoài ra, NHTW Ấn Độ (Reserve Bank of India) cũng sẵn sàng cắt giảm lãi suất từ 6% về 5.75% trong ngày thứ 5 này.
5. Trong một diễn biến khác của FED – “nhà cái” lớn nhất thế giới:
FED sẽ nhóm họp 2 ngày hội thảo tại Chicago Mỹ trong tuần này để bàn về các chính sách tiền tệ sắp tới, tập trung vào việc làm thế nào để họ có thể có được một lạm phát ổn định và tỉ lệ việc làm tốt nhất nhằm giảm thiểu các tác động của các căng thẳng thương mại giữa Mỹ vs. Trung Quốc.
Trong bối cảnh về những bất ổn liên quan đến căng thẳng thương mại và hàng loạt các định chế lớn trên thế giới như EU, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ cũng như… người “bên kia chiến tuyến” là Trung Quốc tiếp tục đưa ra những gói tài chính hỗ trợ nền kinh tế và cắt giảm lãi suất thì có lẽ FED trong thời gian tới cũng không “khoanh tay đứng nhìn”.
Từ chỗ Hawkish (diều hâu) về việc tăng lãi suất và giảm thiểu tài sản trong bảng cân đối kế toán cuối năm 2018 thì bây giờ FED chỉ còn đúng 1 sự lựa chọn more Dovish (thêm bồ câu và thêm bồ câu hơn nữa).
Các nhà kinh tế và chuyên gia phân tích dự báo là FED sẽ cắt giảm lãi suất thêm khoảng 0.25%-0.5% trước khi kết thúc năm 2019.
Trên đây là một vài điểm tin về các sự kiện sẽ diễn ra trong tuần và đặc biệt ĐÁNG LƯU Ý là các động thái của các Ngân Hàng Trung Ương các nước lớn vẫn phát đi một thông điệp thời gian tới là “NỚI LỎNG LÃI SUẤT và thêm KÍCH THÍCH KINH TẾ”.
Vậy sự lựa chọn của Việt Nam sẽ như thế nào? Tôi (với góc nhìn cá nhân) thì Việt Nam trước các bối cảnh áp lực về tỉ giá xuống thấp của Nhân Dân Tệ, để hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh làm ăn xuất khẩu cũng như tình hình lạm phát dần được kiểm soát ổn định (với tâm lý triển vọng về lạm phát sẽ giảm tốc sau khi giá dầu thế giới giảm mạnh và giá xăng trong nước sẽ giảm từ từ trong 15-30 ngày tới) thì Việt Nam cũng không nên đứng ngoài việc cắt giảm lãi suất cho vay và thêm hạn mức tín dụng với các ngân hàng dịp cuối năm.
À, dĩ nhiên, đây là góc nhìn cá nhân tôi và tôi không phải là nhà hoạch định chính sách và hoàn toàn độc lập, tôi vẫn thiên về phương án này để tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam… trong diễn biến mới.
Thêm một điều nữa, thế giới là việc chúng ta quan sát và dự báo cho các kịch bản khác nhau và kịch bản nào (cắt giảm hay giữ nguyên lãi suất của FED) thì cũng đều có đối ứng phù hợp. Đó gọi là “đi trước 1 bước”.
Với nhà đầu tư Việt Nam thì theo dõi các dòng chảy của tiền và của các NHTW thế giới chơi một cuộc chơi lớn trên bàn Poker game thực sự thú vị 😀. Liệu tiền có tiếp tục “chảy đi tiền ơi” khắp nơi 1 lần nữa hay không thì chi còn một cách là theo dõi thôi.
Chúc quý vị một tuần mới, tháng mới vui vẻ và may mắn hơn tháng 5/2019 rất nhiều.
#God Bless us!
#Chúa phù hộ cho các bạn!
– Morning news by Thai Pham Happy Live –
*** 3 June 2019 ***
P.S: Disclaimer: Bản tin này của tôi chỉ để giúp xây dựng kiến thức đầu tư cho cộng đồng, không khuyến nghị mua bán và không bị bất cứ lợi ích của cá nhân, hay tổ chức nào đứng đằng sau nên các bạn dùng tham khảo. Nếu thấy hay/dở comment cho tôi biết. Và thấy hữu ích thì share cho nhiều người đọc.