7 MỤC TIÊU TÀI CHÍNH CÁ NHÂN CẦN ĐẠT TRƯỚC TUỔI 30

7 MỤC TIÊU TÀI CHÍNH CÁ NHÂN CẦN ĐẠT TRƯỚC TUỔI 30
Đừng mãi mãi là kẻ chậm tiến, loay hoay lạc lối trên sa mạc, trong khi người khác đã phi tới tận sao Hoả.
Ngay từ khi tôi còn nhỏ, bố của người bạn tôi – một người kinh doanh khá mát tay đã dạy về việc quản lý tài chính, tiết kiệm. Ông ấy nói thế này: “Quản lý tài chính cũng giống như chế tạo xe ô tô, một khi bắt đầu có tư duy quản lý tài chính và tích lũy tiền bạc, tốc độ của con sau này có thể sẽ khiến chính con phải kinh ngạc. Còn trái lại, nếu không biết quản lý dòng tiền, thì đời này coi như vứt, mãi mãi chỉ là người đi lạc trên sa mạc, trong khi người khác đã di chuyển tới sao Hoả rồi…”.
Ví von này của ông giúp tôi hiểu, không thể coi thường việc quản lý tiền. Và càng trưởng thành, áp lực của việc kiếm sống, chi tiêu, độ tuổi khiến tôi càng thấm thía lời bố dạy năm xưa. Đặc biệt bản lề gây dựng sự nghiệp – 30 tuổi, càng phải rạch ròi hiểu thấu điều này. Vậy để cuộc sống không quá chật vật, từ kinh nghiệm của tôi, bạn nên cố gắng đạt được 7 mục tiêu tài chính trước năm 30 tuổi, dưới đây:
1. Có kiến thức về quản lý tài chính
Tôi biết bạn đang nghĩ rằng chỉ những người làm trong lĩnh vực này thì mới cần phải có kiến thức về tài chính. Nhưng không, bạn cần phải có những kiến thức cơ bản.
Ví dụ, bạn nên biết nguyên tắc phân chia tiền của mình thành 5 lọ tài chính, mỗi lọ chiếm bao nhiêu phần trăm.
Bạn cũng nên hiểu lãi suất là gì, làm sao để đầu tư bởi vì đồng tiền không sinh lời là đồng tiền mất giá, đại loại như vậy.
Ngoài ra bạn cũng cần biết rằng con đường bền vững nhất để làm giàu chính là chăm chỉ lao động, tiết kiệm và nắm bắt cơ hội, không có cái giàu nào đến sau một đêm đâu.
2. Tạo ngân sách cho từng loại chi phí
Vào cuối hoặc đầu mỗi tháng, bạn hãy ngồi xuống, vạch ra chi tiết từng loại chi phí, ví dụ đơn giản thế này:
– Tiền ăn uống: X triệu
– Tiền nhà: Y triệu
– Tiền chi tiêu khác: Z triệu
Tôi tin rằng nếu không vạch ra rõ ràng từng loại chi phí thế này, bạn sẽ không có nhận thức và kế hoạch cụ thể.
3. Tạo thói quen tiết kiệm trước khi chi tiêu
Sau khi bạn có lương, nếu như bạn cứ tiêu xài thả ga và tự nhủ với mình rằng cuối tháng còn bao nhiêu thì tiết kiệm bấy nhiêu, tôi xin là bạn sẽ chẳng còn đồng nào để tiết kiệm đâu.
Sau khi tạo được ngân sách cho từng loại chi phí như tôi đã nói ở trên, hãy bỏ ra một khoản tiết kiệm luôn.
4. Cân nhắc một số loại bảo hiểm
Bảo hiểm có thể giúp chúng ta rất nhiều khi có những sự kiện ngoài ý muốn xảy ra, ví dụ như bệnh tật.
Nếu tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc đầy đủ, và mua thêm cả các loại bảo hiểm nâng cao nữa, có thể bạn sẽ đỡ đến 90% chi phí nằm viện.
5. Có một khoản quỹ khẩn cấp
Cuộc sống luôn bất ngờ, không phải một năm một lần mà những bất ngờ xảy ra hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày, thậm chí hàng giờ.
Đùng một cái, bạn bị hư xe, hoặc được mời 2 cái đám cưới trong cùng một tháng, nếu không có khoản quỹ khẩn cấp này, bạn sẽ phải sử dụng đến tiền tiết kiệm dài hạn của mình.
6. Hãy “thích tiền”
Không ít người trong thời đại ngày nay chọn cuộc sống lười biếng và chẳng muốn làm gì cả.
Nhưng bạn phải nhớ rằng muốn thoải mái trong chuyện tiền bạc, ngoài việc tiết kiệm thì phải có nhiều khoản thu nhập khác nhau hoặc chăm chỉ để tăng mức thu nhập lên.
Đừng để khoản thu nhập không đáp ứng đủ những nhu cầu cơ bản của bản thân, thì lấy đâu ra mà tiết kiệm. Vậy nên thích tiền, thích làm việc để có tiền không có gì là sai cả. Chỉ là bạn đừng để đồng tiền điều khiển mình là được!
7. Thực hành đàm phán
Nếu có một kỹ năng mà chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn để phát triển ở độ tuổi 30, thì đó là đàm phán. Bạn có thể thương lượng giá của mọi thứ – nhà cửa, xe hơi, đồ gia dụng, thậm chí là chi phí tập gym, yoga…
Ngoài ra, thương lượng tiền lương cũng là một kỹ năng quan trọng!
7 mục tiêu trên, bạn đã thực hiện được bao nhiêu rồi?
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
– Thai Pham Happy Live – Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn