1. Cập nhật dự báo mới nhất của IMF về tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020:
IMF sẽ ra báo cáo về triển vọng kinh tế 2020 cập nhật vào ngày thứ 3 sau khi IMF và World Bank họp với nhau qua một cuộc họp báo video conference (do Covid-19 nên họp báo online như kiểu Giáo Hoàng Francis hành lễ Phục Sinh online ngày hôm qua vậy).
Việc tồi tệ xảy ra sẽ không chỉ dành cho các nước đang phát triển mà cả các nước đã phát triển “Mọi người đều sẽ bị tổn thương do những quy định cần thiết bắt buộc (của các chính phủ) để phòng chống dịch bệnh và do đó nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng”.
“Chỉ mới 3 tháng trước, chúng tôi còn dự đoán tăng trưởng bình quân đầu người tích cực tại hơn 160 quốc gia thành viên IMF vào năm 2020”, đại diện IMF cho biết trong một bài phát biểu ngày 9/4 chuẩn bị cho cuộc họp chính sách mùa xuân giữa IMF và World Bank vào tuần tới.
“Cho tới hôm nay, mọi dự đoán đều đi ngược dòng. Theo số liệu dự báo của chúng tôi, 170 quốc gia thành viên IMF sẽ không thể đạt mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người như mong đợi trong năm nay”, bà Georgieva cho biết.
Bà Georgieva tiết lộ, chỉ trong 2 tháng vừa qua, các nhà đầu tư đã rút khoảng 100 tỷ USD vốn đầu tư từ các thị trường mới nổi do ảnh hưởng của dịch bệnh. Con số này lớn gấp 3 lần dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Do đó, các bạn đừng thắc mắc tại sao trên sàn chứng khoán Việt Nam – nước ngoài đã, đang và có thể sẽ tiếp tục bán ròng mạnh các trụ nhé!
Khi giá hàng hoá giảm mạnh, các thị trường mới nổi và quốc gia đang phát triển sẽ cần tới hàng ngàn tỷ USD để chống lại dịch bệnh và giải cứu nền kinh tế.
Thực sự đây là một trong những thời khắc khó khăn của toàn bộ nền kinh tế thế giới và lãnh đạo của IMF tiếp tục cho biết:
“Trong cuộc đời tôi, tôi cho rằng đây là những ngày tháng đen tối nhất của lịch sử loài người, một mối lo ngại lớn với toàn nhân loại. Nó đòi hỏi tất cả chúng ta phải đoàn kết và cùng chung tay bảo vệ cộng đồng, bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh hơn chúng ta”.
Với tình hình dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến quá phức tạp tại Mỹ (đầu tàu số 1 của nền kinh tế thế giới) khi số ca nhiễm và tử vong liên tục tăng lên trong 2 ngày cuối tuần tại New York và 13 bang nhiễm nặng nhất (theo số liệu của đại học John Hopkins) thì khả năng mở cửa nền kinh tế ngày 28/4 này của Mỹ là gần như khó có thể xảy ra.
Đến ông Trump còn đang đau đầu không biết khi nào sẽ mở cửa lại nền kinh tế của nước này mặc cho các đồng minh thân cận, bạn làm ăn hối thúc ông phải mở cửa nền kinh tế sớm và chấp nhận “sống chung với lũ” là dịch bệnh. Ông sẽ phải đối mặt với quyết định khó khăn nhất đời mình là chọn Kinh tế hay sức khỏe của người dân.
Thực sự, đây là điều mà giới quan sát chính trị cách đây 3 tháng trước không thể tưởng tượng nổi (trong đó có cả nhận xét chủ quan của tôi) một kịch bản với ông Trump sẽ khó khăn như thế này! Nếu chọn làm hài lòng bạn làm ăn, ông sẽ “đắc tội” với đại bộ phận dân chúng Mỹ và một khi bầu cử diễn ra, rất khó đại cử tri chọn ông và ngược lại nếu ông dũng cảm tiếp tục thực hiện nghiêm túc social distancing – cách ly xã hội để bảo vệ dân chúng Mỹ thì kinh tế sẽ kém hơn và việc làm sẽ mất và một loạt hệ lụy về sự tự hào nhất của ông là Thị trường chứng khoán cũng sẽ toang mất!
Ông sẽ chọn gì? Chỉ có Chúa mới biết!
Bạn nghĩ ông sẽ chọn gì? Tôi mong ông chọn giải pháp cho số đông và tốt cho tất cả mọi người. Có sức khỏe thì có tất cả. Còn dền dứ thì mất hết, nếu mà vì lựa chọn đó, ông mất đi chiếc ghế Tổng thống thì đối với tôi, ông (my idol) vẫn là một vị Tổng thống tuyệt vời tôi từng biết.
Tản mạn thêm 1 chút về kinh tế toàn cầu, đại dịch này sẽ tác động rất rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu trong trung hạn (2 năm) chứ không đùa và không phải là hồi phục theo hình chữ V đâu nhé (sẽ là chữ U) khi bạn nhìn vào số ca nhiễm mới tăng lên mỗi ngày tại các khu ổ chuột và xóm lao động nghèo tại Indonesia, Ấn Độ, Ecuador, Chile, Brazil, Châu Phi, và ngay cả khu lao động tay chân tại Singapore (động lực của kinh tế nước này về hạ tầng)…
Sau đại dịch, giá cả lương thực sẽ tăng vọt (chắc chắn nhé) và nếu các chính phủ tiếp tục in thêm tiền thì sau giảm phát sẽ là đại lạm phát và ảnh hưởng rất rất nặng tới đời sống của người nghèo, những người chịu tổn thương lớn từ đại dịch. Vì sao? Vì tiền thì ngày càng nhiều (do in thêm) trong khi năng suất lao động và outputs là sản phẩm lương thực thì mất đi đáng kể do đại dịch, thiên tai → tổng cung tiền quá lớn, tổng cầu hàng hóa sẽ tăng mạnh và giá lương thực thực phẩm sẽ tăng phi mã.
Không đùa với trò chơi in tiền được, và tôi hi vọng các Chính Phủ toàn cầu không quá điên rồ với vụ in thêm tiền và mua thêm nợ của các công ty “đáng nhẽ phải chết” do khủng hoảng kinh tế.
Với Việt Nam, các tay cò BĐS đang hi vọng và diễn giải, cho báo giật tít là Việt Nam sẽ “in tiền” tung ra thêm 1 triệu tỉ đồng để kích thích nền kinh tế.
Sau khi đọc bài báo này, mọi người lầm tưởng Chính phủ sẽ in mạnh tiền ra ngoài? Và VNĐ sẽ mất giá nặng? Thật là lớt phớt và tư duy duy cảm (họ nói đất không in được nên sẽ tăng giá?)
Thực ra nội dung bài báo này là: Tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế lên thêm 1 triệu tỷ VND chứ không phải NHNN in thêm 1 triệu tỷ VND.
Tăng trưởng tín dụng là việc bình thường trong nền kinh tế đang phát triển và năng động như VN hiện nay, trong 5 năm trở lại đây năm nào cũng tăng trưởng tín dụng 12-18% ( 2015 tăng trưởng tín dụng 17,2%; 2016 tăng trưởng TD 16,5%; 2017 tăng trưởng TD 18,1%; 2018 tăng trưởng TD 14% và 2019 tăng trưởng tín dụng 13%). Thậm chí trước khi dịch bệnh xảy ra kế hoạch NHNN là năm 2020 tăng trưởng tín dụng 14% ( tương đương 1 triệu tỷ VND như bài báo) đã được đặt ra rồi.
Nhưng tình hình dịch như này e rẳng khó có khả năng đạt mục tiêu đề ra. Vì dịch ntn các doanh nghiệp hạn chế mở rộng hoạt động sản xuất,kd thậm chí là thu hẹp hoạt động. vì thế cũng k có nhu cầu vay tiền đầu tư, quý 1/2020 tăng trưởng tín dụng 0,68% giảm mạnh so với mức 1,9% của quý 1/2019, thấp nhất trong vòng 6 năm lại đây. Dự báo nếu dịch kéo dài thì quý 2,quý 3 và cả năm nay sẽ vẫn khó có thể đạt như kế hoạch đặt ra.
Vậy nên, càng nhiều bài báo hô hào trấn an như này về BĐS, kiểu kiểu là Vì sao thị trường bất động sản năm 2020 sẽ không rơi vào khủng hoảng, bán tháo, cắt lỗ ồ ạt giống giai đoạn 2010?
Thì tôi càng tin là thị trường này đang có vấn đề rất nặng nề, nếu không nặng nề, người ta không lên hô hào trên báo đâu. Vì nếu ngon như tôi đã nói trong video này, người ta đang “ăn một mình” rồi: https://www.youtube.com/watch?v=B1DleZ0F0pE
2. Sự kiện thứ 2 tuần này: Các số liệu kinh tế của Mỹ sẽ bộc lộ nhiều khó khăn trong đại dịch
Mở màn sẽ là báo cáo về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào thứ 5 tuần này, khả năng sẽ có thêm cả triệu đơn thất nghiệp tại Mỹ (mà ở đâu trên thế giới cũng vậy thôi). 15 triệu người Mỹ lãnh lương theo tuần đã thất nghiệp trong 3 tuần trước rồi.
“Chỉ trong 1 tháng mà dịch bệnh này đã khiến số lượng thất nghiệp của người Mỹ vượt qua số liệu thất nghiệp của cả giai đoạn Đại Suy Thoái 1930s”, ông Daniel Zhao, kinh tế gia cao cấp của Glassdoor cho hay “Số liệu thất nghiệp này thì sẽ phụ thuộc vào diễn tiến của dịch bệnh và mức độ ảnh hưởng trong lâu dài của nó đối với hàng triệu người Mỹ” (khó đoán quá mà).
Tuần này, số liệu bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Mỹ cũng sẽ được công bố và khả năng sẽ là tin xấu, rất xấu. Vì sản xuất công nghiệp của Mỹ đã phải chứng kiến đợt sụt giảm lớn nhất từ thế chiến thứ 2 trở lại đây.
Tin tốt tuần trước của FED Bazzoooookkkkaaa đã ra hết rồi, tuần này còn tin gì tốt để cứu Dow Jones với đồ thị nến sao?
Ngoại trừ có phép màu, hoặc một xác suất thấp thì Dow Jones mới không giảm điểm tuần này!?
Hi vọng tôi sẽ sai bét nhè!
3. Tuần này một vài phát biểu của đại diện FED như James Bullard (người quen thuộc của báo chí) và chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cũng sẽ được lưu tâm.
Tuy nhiên, như đã nói, FED đã hết đạn chính thức: Lãi suất thì đã về 0% rồi. Gói cứu trợ cả vài ngàn tỉ đô la thì cũng đã tung ra, 500 tỉ đô cho doanh nghiệp nhỏ cũng tung ra.
FED chả biết việc gì khác ngoài in tiền, mà in quá đà thì sau đại dịch kéo dài thay vì giảm phát thì chắc chắn lạm phát lương thực thực phẩm là phi mã.
Lúc đó lại cấp tập nâng lãi suất lên? Và thế là… kinh tế thế giới sẽ bị rơi vào một trạng thái khủng khoảng kép (khủng hoảng lấn khủng hoảng) nếu sản xuất không được khôi phục.
FED đang chơi với “lửa” to và đi trên lưỡi dao với tất cả công cụ và chính sách tiền tệ họ có.
Cá nhân tôi, tôi thấy cách làm này đang quá đà và bad side của nó lớn hơn rất nhiều so với good side!
4. Mùa báo cáo thu nhập của quý 1 cũng sẽ được công bố tuần này: Cũng không mấy khả quan khi nhìn vào báo cáo thu nhập của JPMorgan Chase, Bank of America, và Goldman Sachs.
Tôi thì tôi nể phục ông quỹ đầu tư của Goldman Sachs thôi chớ còn thu nhập của hệ thống ngân hàng Goldman Sachs qúy 1/2020 này thì… nói làm gì nữa.
5. Dầu lửa
OPEC+ đã cắt giảm gần 10 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 5,6 tới đẩy kì vọng giúp giá dầu tăng trở lại từ mốc 20 đô hiện tại.
Dù vậy, nên nhớ là do tác động của đại dịch thì nhu cầu dầu lửa đã giảm từ 20-30 triệu thùng dầu/ngày rồi. Dự trữ dầu lửa các quốc gia đang “ngập lụt” vì xăng, dầu.
Họ đã bắt đáy và đã trúng quả, thậm chí trúng lớn với một số mã tăng giá 20-30%, và tuần này, hàng sẽ về tài khoản (cổ phiếu) và với mức lời mơ ước chỉ trong có 1 tuần mà đạt 20-30% và tính bất định hiện tại của nền kinh tế thế giới và kinh tế chúng ta hiện tại do đại dịch thì tôi dám cá 100% là họ sẽ chốt lời 🙂 (Phải khôn một chút nhỉ 😀, 1 tuần bằng lãi ngân hàng 3 năm tội gì không chốt).
Thực sự, tôi thấy chính phủ Việt Nam quá tốt và rất kịp thời và nhân văn. Quyết liệt và sâu sát.
Vậy vậy thôi hà, điểm tin đầu tuần dài quá, tôi xin tạm dừng viết (gõ hơn 1.5 tiếng rồi đấy 😀)
Hẹn gặp lại các bạn ngày mai, chúc các bạn tuần này kiếm tiền to! (Đừng quên chốt lời nếu có lời – à tôi nói vậy thôi, quyền là ở bạn, cờ bạc đãi tay mới mà).
Nếu thấy thích “tinh thần phục vụ” của tôi mỗi ngày thì hãy chào nhau ở comment cho mỗi buổi sáng đầu tuần nhé!
P/S: Tối nay sẽ tiếp tục lên video phục vụ tính thời sự kinh tế cùng bạn trên Youtube. Cám ơn.
Disclaimer: Bản tin này của tôi không khuyến nghị mua bán, tôi điểm tin và không nói mình sẽ ĐÚNG (Tôi không bao giờ cho mình luôn là đúng và mọi việc chỉ mang tính tương đối); nhưng các điều tôi nói sẽ khiến quý vị phải Suy nghĩ. Vậy là được. Quý vị tự chịu trách nhiệm với hành xử của mình trong thị trường.
P/S: Bài học từ việc Warren Buffett và Charlie Munger đang thấy sai, liền sửa sai và bán ra mạnh các cổ phiếu hàng không như Delta Airlines mà họ đang nắm giữ! Họ bán vì cp đã vi phạm quy tắc và MOAT khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành và dự kiến sẽ khiến ngành hàng không chưa thể khôi phục nhanh chóng sau 1-2 năm tới.
“Trong đầu tư chứng khoán, thị trường không quan tâm bạn có đang nắm giữ hay không. Điều tồi tệ hơn việc mình làm sai là biết mình sai mà mặc kệ.
Hãy để mất ý kiến của mình chứ đừng để mất tiền. Hãy tự hào mình có khả năng nhận biết sai lầm từ sớm.
Đóng vị thế tức là chấp nhận sai lầm. Con người ghét phải nhận sai vì nó dính đến tự tôn và uy thế của họ.
Những nhà giao dịch tốt không khư khư giữ góc nhìn của mình. Warren Buffett, nhà đầu tư nổi tiếng có hai quy tắc:
1. Bảo vệ vốn.
2. Không quên quy tắc 1.
Đóng vị thế đồng nghĩa với quy tắc số 1. Bạn có nguồn lực hạn chế. Những nguồn lực này nên được tối đa hoá, hoặc ít nhất là được bảo tồn. Nếu bạn đang ở một thị trường đi ngược lại vị thế của mình, đã đến lúc thoát ra và tìm một cơ hội tốt hơn. Hãy nghĩ việc đóng vị thế là một chi phí kinh doanh (dừng lỗ).
Vì rất nhiều thuật ngữ tiếng Nhật dựa trên thuật ngữ quân sự, mỗi giao dịch bạn thực hiện là một trận chiến và bạn sẽ phải làm những gì mà ngay cả những vị tướng vĩ đại nhất phải làm: thực hiện các cuộc rút lui theo chiến thuật, tạm thời.
Mục tiêu chung là bảo tồn được quân đội và đạn dược. Còn đối với bạn là bảo vệ vốn và sự thanh thản.
Đôi khi bạn phải thua một vài trận chiến để dành chiến thắng cả cuộc chiến.
Những người Nhật có câu một cái móc câu bị mất để bắt một con cá hồi. Nếu bạn đóng vì thế hãy nghĩ về nó như mất một cái móc câu. Có thể bạn sẽ bắt được giải thưởng của mình với cái móc tiếp theo.”
– Trích cuốn sách “Tuyệt Kĩ giao dịch bằng Nến Nhật của Steve Nilson” sắp xuất bản –
P/S: Thiệt ta thiệt nhỏ, vết thương nhỏ. Nhảy sang cơ hội mới sẽ giúp chúng ta nhanh chóng lấy lại phong độ. Đừng cố chấp đúng sai!
“Mọi người thường quá đề cao những điều họ có thể làm trong 1 năm, nhưng lại đánh giá quá thấp những thành tựu họ có thể đạt được trong 10 năm”
– Bill Gates –
Với chúng tôi, chúng tôi hiểu Lãi Kép đích thực trong cuộc sống được tính bằng 5, 10, 15, 20 năm.
Kỉ niệm 20 năm đi cùng nhau thì lãi kép giờ đây ít nhất cũng là: Sức khoẻ tốt, an nhiên ngủ ngon mỗi tối, tiếng ríu rít chuyện trò của 3 đứa trẻ và cả sự ồn ào của chúng mỗi ngày.
Hãy hướng tới những mục tiêu dài hạn hơn là chăm chăm đạt mục tiêu ngắn hạn bạn nhé!
Chúc các bạn của tôi một ngày thứ 7 an nhiên, hạnh phúc!