Đọc sách có gì vui? Tại sao tôi đọc sách mỗi ngày
NHIỀU BẠN TRẺ HAY HỎI TÔI: “TẠI SAO ANH LẠI HAY ĐỌC SÁCH MỖI NGÀY, SÁCH ĐEM LẠI NHỮNG LỢI ÍCH GÌ CHO ANH?” HÔM NAY, TÔI SẼ GIẢI ĐÁP CHO CÁC BẠN Ở BÀI VIẾT NÀY.
1. Đọc sách đơn giản là một bài tập thể dục hữu hiệu cho não bộ
Huyền thoại đầu tư Charlie Munger từng nói rằng: “Mỗi ngày hãy cố gắng thông minh hơn một chút kể từ lúc bạn thức dậy”. Não bộ cũng như cơ bắp, nếu bạn luyện tập chúng mỗi ngày (thông qua đọc sách và suy ngẫm), não sẽ hoạt động tốt hơn, có nhiều ý tưởng đột phá và xử lý công việc hiệu quả hơn.
Đọc sách là một trong những cách hữu hiệu làm nên giá trị và thương hiệu bản thân của mỗi người. Ví dụ như: nếu đặt một FA chuyên đọc sách và FA chưa từng đọc một trang sách nào lên bàn cân, người đọc sách đương nhiên sẽ “nặng ký hơn” và họ có khả năng thu hút những người cùng sở thích với mình. (Các bạn FA lưu ý nhé )
2. Đọc là học cách trở nên thông thái (dù chúng ta chẳng mấy thông minh)
Như tôi đã từng nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong cuốn Thiết kế cuộc đời thịnh vượng, không phải ai trong chúng ta cũng là người thông minh xuất chúng.
Tìm cách để nâng cao chỉ số IQ là rất khó. Nhưng bạn có thể khiến mình thông thái hơn nhờ việc học từ thành công hay thất bại của người khác. Và sách là một trong những kênh thông tin bạn không thể bỏ qua (hoặc không phải nói là bắt buộc) nếu muốn hạn chế sai lầm.
3. Đọc sách giúp bạn “gần hơn với thần tượng”
Tôi thần tượng rất nhiều người, từ những người sống từ những thập kỷ trước như cụ Nguyễn Hiến Lê (với sự kỷ luật quyết tâm, tinh thần tự học), Kim Woo Choong (với phương châm làm việc: Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc để làm), Chung Ju Yung (với tinh thần: Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách), Tiến sĩ Alan Phan (với kiến thức uyên bác, kinh nghiệm thương trường dày dặn, người ảnh hưởng rất lớn đến con đường đầu tư, kinh doanh của tôi)… Cho đến những người vô cùng ngưỡng mộ nhưng chưa có kết nối để gặp mặt: Warren Buffett, Charlie Munger, Mohnish Pabrai,…
Đối với một số bạn trẻ thần tượng các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng- những người mà phần lớn chúng ta chỉ có thể nhìn thấy từ xa trong các sự kiện, các bạn có thể google search tất cả thông tin về thần tượng của mình hoặc truy lùng hồi ký của người nổi tiếng yêu thích khi họ vừa ra mắt để hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp, con đường theo đuổi đam mê.
Cách thức tiếp cận của tôi với “idol” của mình cũng thế. Tôi tìm đọc tất cả sách về họ, chúng giúp tôi hiểu hơn về thành công, thất bại của họ cũng như ứng dụng những điều tuyệt vời đó cho cuộc sống cá nhân, sự nghiệp kinh doanh và đầu tư của mình.
4. Đọc để thấy chúng ta là một cái tôi nhỏ bé giữa một biển kiến thức vô vàn
“Kẻ biết thì không nói. Kẻ nói thì không biết.” Khiêm tốn luôn là một đức tính cần thiết của một con người có học. Càng đọc nhiều, thay vì thấy cái tôi của mình lớn lên, tôi lại thấy mình như bé lại giữa một thế giới vô vàn tri thức. Càng khát khao học hỏi, tôi càng thấy biết ơn những người đã có công kết tập những bài học người xưa hoặc trực tiếp viết lại để truyền dạy cho hậu thế.
Nhưng đôi lúc chỉ đọc thôi chưa đủ.
Dù bạn dành 10 năm tu luyện (đọc rất nhiều sách) không bằng 1 giờ thỉnh giáo chân nhân. Kiến thức bạn nhận từ sách thì mênh mông vô bờ bến, bạn cần một người hướng dẫn cho mình cách ứng dụng hoặc chỉ cho bạn những điều mình làm đã hợp lý hay chưa.
Đó cũng là điều thúc đẩy tôi thực hiện những quyết định táo bạo, những điều mà nếu không nhờ sách dẫn đường, tôi cũng không nghĩ mình sẽ làm được, hay gặp được những người thầy tuyệt vời của mình ngoài đời thật.
TÔI ĐÃ TÌM CÁCH “BIẾN” THẦN TƯỢNG CỦA MÌNH “BƯỚC RA TỪ TRANG SÁCH” NHƯ THẾ NÀO?
Nếu từng đọc qua Thiết kế cuộc đời thịnh vượng, chắc hẳn bạn sẽ không quên cuộc gặp gỡ thú vị giữa tôi và NĐT giá trị Guy Spier – một trong những người được xem là truyền nhân của Warren Buffett, Charlie Munger của thế kỷ XXI.
Tôi “gặp” Guy Spier lần đầu tiên thông qua cuốn sách Lột xác để trở thành NĐT giá trị – một trong những cuốn sách đã củng cố thêm niềm tin cho tôi trong hành trình đi tìm chân lý đầu tư.
Khi lên lịch công tác Châu Âu vào năm 2018, tôi đã gửi đi rất nhiều email cho Guy với thông điệp rằng tôi là một nhà đầu tư, người sắp xuất bản cuốn sách của ông tại Việt Nam và rất mong có thể gặp được ông trong chuyến công tác của mình.
Tất cả những gì tôi nhận lại là sự im lặng. Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm biến khao khát của mình thành hiện thực. Và may mắn là tôi đã thành công. Được gặp mặt Guy Spier, tôi như được soi tỏ nhiều vấn đề mà không phải với bất kỳ ai, ông cũng có thể chia sẻ về điều đó.
Khi bạn tìm hiểu đủ sâu về một người và chịu ảnh hưởng rất lớn từ kiến thức, lối tư duy và nhân sinh quan của họ. Nếu có dịp diện kiến bạn sẽ có một nền tảng nhất định để đào sâu câu chuyện và nhận được kiến thức uyên bác gấp nhiều lần (những việc không thể có nếu bạn chỉ vô tình biết, yêu mến và muốn gặp mặt họ mà không hề đọc sách về họ).
Ngoài ra tôi còn rất may mắn khi được diện kiến rất nhiều “chân nhân”, những người mà sau này trở thành thầy tôi như Tiến sĩ Alan Phan, Phil Town, Tony Robbins,…
Nếu là một bạn trẻ chưa có niềm đam mê đọc sách, hãy tìm cho mình thể loại sách mà bạn thấy thú vị. Bạn có thể bắt đầu với 5 hoặc 10 trang sách, quan trọng là sắp xếp một thời gian cố định trong ngày dành cho việc đọc. Đừng đọc quá nhiều chỉ để theo kịp người khác, cũng như đừng tự ti khi bạn vẫn chưa hề đọc qua cuốn sách nào.
Hãy nhớ, đọc sách hay bất cứ nỗ lực khiến bản thân tốt hơn 1% mỗi ngày đều vì chính bạn, không phải vì ai khác!