Lập kế hoạch tài chính cá nhân là công việc đã quá đỗi thân quen. Tuy nhiên, lên kế hoạch chi tiêu “mùa hậu Tết” vẫn còn khá lạ lẫm.
Trên thực tế, đây lại là việc hết sức cần thiết, bởi lẽ dịp Tết luôn là “mùa tiêu tiền”, đôi khi khiến quỹ tài chính bị mất cân bằng. Bài viết sau đây sẽ mách bạn cách quản lý chi tiêu để không “lâm nợ” sau một mùa Tết qua.
Trước khi lên kế hoạch chi tiêu, bạn cần hiểu được vì sao mình dễ rỗng ví hậu Tết, dù có thu nhập ổn định và thậm chí là thưởng Tết ngập tràn. Có thể do 3 lý do chính sau:
1, Bạn có quá nhiều thứ phải chi: Bạn vừa phải đầu tư cho bản thân, vừa phải mua quà mừng cho người thân, bạn bè. Với những ai có gia đình, số tiền này sẽ phải nhân đôi, nhân ba. Với những ai ở xa, tiền tàu xe đi – về đôi bận cũng là cả một vấn đề.
2, Không lập kế hoạch tài chính cá nhân trước Tết: Không có kế hoạch rõ ràng khiến bạn khó kiểm soát số tiền hiện có và tiêu xài “thả ga” với lý do “mỗi năm Tết chỉ đến một lần”.
3, Quá lạc quan về tình hình tài chính của bản thân: Bạn chỉ nhớ mình vẫn còn tiền nhưng không rõ con số cụ thể, sau đó cứ thoải mái chi tiền. Bạn thấy mình chỉ chi những khoản lặt vặt, nhưng sau khi cộng lại thì mới ngỡ ra mình đã “tiễn đi” quá nhiều tiền.
Nếu bạn thấy mình ở một trong ba “kịch bản” trên, thì bạn có thể áp dụng 3 bước sau đây:
Thống kê lại số tiền hiện có:
Bạn cần kiểm kê lại xem hiện tại mình còn bao nhiêu tiền. Bạn có thể lập danh sách từ những khoản tích lũy hiện có:
– Tài khoản ngân hàng;
– Tài khoản tiết kiệm;
– Tiền mặt đang giữ.
Tiếp đến, bạn sẽ nhìn lại các khoản thu nhập hiện có, bao gồm cả tiền lương hoặc thu nhập phát sinh riêng như bán online, cộng tác viên…
Đặt mục tiêu tài chính
Khi đặt mục tiêu, bạn cần đề ra con số và cả “deadline” cụ thể.
Ví dụ: Chỉ tiêu 5 triệu/tháng trong vòng nửa năm hay tiết kiệm được 5 triệu/tháng trong vòng nửa năm…
Bên cạnh đó, một mục tiêu hiệu quả cần phải bám sát với tình hình thực tế và khả năng thực hiện. Mục tiêu quá khó, quá phi thực tế sẽ khiến bạn dễ nản lòng và bỏ cuộc giữa chừng đấy.
Phân chia thu nhập và đặt giới hạn chi tiêu
Đây là phần quan trọng nhất trong cả quá trình lập kế hoạch tài chính cá nhân của bạn. Có 2 cách phân chia chi tiêu khá phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
Nguyên tắc 50/30/20: Bạn sẽ chia thu nhập thành 3 phần:
50% cho các chi tiêu bắt buộc (ăn uống, đi lại, tiền nhà…); 30% cho các chi tiêu mong muốn (mua sắm, hẹn hò…) và 20% cho tiết kiệm hoặc trả nợ. Tuy nhiên, ở bản kế hoạch “cứu cánh” hậu Tết, bạn có tăng tiết kiệm lên 30% và cắt các chi tiêu phụ xuống còn 20%.
Nguyên tắc 6 chiếc hũ chi tiêu, chia số tiền mình kiếm được thành 6 phần:
Chi tiêu thiết yếu: 55%;
Vui chơi, giải trí: 10%;
Phát triển bản thân (đọc sách, khóa học, workshop…): 10%;
Tiền cho người khác (bố mẹ, từ thiện…): 5%;
Tiết kiệm cho các dự định trong tương lai xa (du lịch, mua nhà, mua xe…): 10%;
Tiền đầu tư, phát triển tài chính: 10%.
Lập kế hoạch tài chính cá nhân hậu Tết Cổ Truyền là việc cực kỳ nên làm để giúp bạn lấy lại cân bằng cho quỹ tài chính.
Sau khi đã ổn định, đừng quên trích một phần tiền mang đi đầu tư để “tiền đẻ ra tiền” nhé.
Và để quá trình lên kế hoạch lấy lại sức khỏe tài chính thật hiệu quả, bạn có thể tham khảo những quyển sách rất hay về tài chính cá nhân và đầu tư cơ bản, đó là:
– 101 lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm: https://bit.ly/bk-101-tk
– Con đường đi đến sự giàu có: https://bit.ly/simple-path-tk
– Basic Economics: Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư: https://bit.ly/BK-Basic-TK-1
Chúc bạn một năm 2023 lộc phát!