NHÀ SƯ CHẠY MARATHON VÀ BÀI HỌC VỀ TINH THẦN THÉP

Nhà sư chạy marathon và bài học về tinh thần thép
Chuyện kể rằng, ở một dãy núi xa phía Đông Bắc ngoại ô Kyoto, Nhật Bản, có một ngọn núi tên là Hiei. Ngọn núi ấy, được che phủ bởi nhiều những ngôi mộ không tên tuổi.
 
Những ngôi mộ này là nơi yên nghỉ của những nhà sư phái Tendai (phái Thiên Thai), họ đều có chung một đặc điểm, đó là không thể vượt qua bài thử thách có tên Kaihogyo.
 
Hàng trăm năm qua, con người ta vẫn tò mò về bài thử thách đã lấy mạng nhiều nhà sư đến vậy.
 
Bài thử thách ấy rốt cuộc là gì? Và những người như chúng ta học được gì từ nó?
 
Nhà sư chạy marathon
 
Những nhà sư phái Tendai tin rằng, sự giác ngộ tối cao có thể chạm tới ngay cả trong cuộc sống thường nhật, nhưng phải thông qua việc phủ nhận bản thân ở một mức độ tuyệt đối.
 
Với những nhà sư Tendai, hành động cơ bản của việc phủ nhận bản thân tuyệt đối – cũng là hành trình đến với sự giác ngộ – chính là vượt qua bài thử thách thể chất Kaihogyo, một cuộc chạy marathon đặc biệt. Cũng chính vì thế mà những nhà sư Tendai còn được gọi là “marathon monks” – những nhà sư chạy marathon.
 
Bài thi Kaihogyo
 
Kaihogyo là một thử thách 1000 ngày, diễn ra trong bảy năm. Nếu một nhà sư chấp nhận bước vào thử thách, đây sẽ là những gì chờ đợi họ phía trước.
  • Năm đầu tiên đến năm thứ ba, nhà sư phải chạy 30km mỗi ngày, trong vòng 100 ngày liên tiếp.
  • Năm thứ tư, con số phải chạy vẫn là 30km mỗi ngày, nhưng thời gian lần này là 200 ngày liên tiếp.
  • Năm thứ năm, nhà sư một lần nữa phải chạy 30km mỗi ngày trong 200 ngày liên tiếp. Sau khi đã hoàn thành năm thứ năm trong cuộc chạy không hồi kết ấy, nhà sư sẽ phải trải qua 9 ngày liên tiếp không ăn, không uống, không ngủ. Nghi thức này sẽ có sự góp mặt của hai nhà sư khác bên cạnh để đảm bảo nhà sư đang thực hiện thử thách không ngủ gật.
  • Năm thứ sáu, nhà sư phải chạy 60km mỗi ngày, trong 100 ngày liên tiếp.
  • Năm thứ bảy, con số nâng lên thành 84km mỗi ngày, trong 100 ngày liên tiếp. Sau khi kết thúc 100 ngày đó, nhà sư cần chạy 30km mỗi ngày trong 100 ngày tiếp theo để kết thúc hành trình.
Đọc đến đây, có thể bạn sẽ thấy cuộc chạy marathon thực sự khốc liệt và không tin nổi. Nhưng thực ra còn một thử thách khác, thứ khiến cho Kaihogyo không giống bất kỳ bài thử thách nào trên thế giới này.
 
Cột mốc ngày 101
 
Với những nhà sư tham gia thử thách Kaihogyo, trong vòng 100 ngày đầu tiên, nhà sư được phép bỏ cuộc. Sẽ không có bất cứ chuyện gì xảy ra, nếu nhà sư cảm thấy muốn rút lui khỏi bài thi này.
 
Tuy nhiên, kể từ ngày 101, sẽ không còn cơ hội dừng lại.
 
Từ ngày 101 trở đi, nhà sư bắt buộc phải hoàn thành bài thử thách, hoặc đối mặt với cái chết bằng cách tự sát. Đó cũng chính là lý do mỗi nhà sư luôn mang theo bên mình một đoạn dây thừng dài và một thanh gươm ngắn trong suốt cuộc hành trình đầy gian khổ này.
 

Trong hơn 400 năm qua, chỉ 46 người hoàn thành bài thử thách. Những người còn lại, chính là những nấm mồ u tịch mãi mãi nằm lại bên ngọn núi Hiei xa xôi kia.

 
Bài học về tinh thần thép và sự cam kết
 
Bài học 1: Hoàn thành hay là chết.
 
Marathon Monks là một phiên bản cực hạn về mặt tinh thần của trò chơi “hoàn thành hay là chết”. Thực tế, bạn có thể áp dụng nó vào cuộc sống của bạn cho các mục tiêu, dự án, hay công việc.
 
Nếu đó là thứ quan trọng với bạn, hãy hoàn thành nó. Nếu không, hãy gạt sang một bên.
 
Hẳn là không ít lần trong đời, bạn đã từng bỏ dở giữa chừng một công việc mà bạn muốn hoàn thành, hay quên đi một ý tưởng nào đó dù trước đấy nó đã từng sục sôi và đốt cháy trái tim bạn.
 
Nhưng hãy thay đổi lại cách hành động.
 
Một thứ gì đó kể từ nay sẽ chỉ còn hai trạng thái: một là nó đủ quan trọng để khiến bạn phải hoàn thành bằng mọi giá, hai là nó không quá quan trọng đến mức ấy, vậy hãy “giết” nó đi, đừng lãng phí thời gian. Những thứ lưng chừng sẽ không mang lại cho bạn hạnh phúc.
 
Bài học 2: Nếu bạn không cam kết với một (vài) thứ, bạn sẽ bị phân tán.
 
Hầu hết chúng ta đều sẽ không phải đối mặt với cái chết cận kề như những nhà sư tham gia Kaihogyo, nhưng chúng ta có thể học được nhiều thứ từ sự cam kết và lòng quả cảm của những nhà sư. Họ xác định được chính xác thứ khiến họ tiến về phía trước mỗi ngày, và trong suốt bảy năm ròng rã của cuộc đời, họ chỉ tập trung toàn bộ sức lực vào mục tiêu họ đã định: hoàn thành Kaihogyo.
 
Quay về với thế giới hiện tại. Tất cả chúng ta đều từng tuyên bố về những thứ gì đó quan trọng đối với mình. Với bạn, đó có thể là giảm cân, trở thành người cha người mẹ tốt hơn, đầu tư, khởi nghiệp, làm những thứ có ý nghĩa với xã hội,… Nhưng bạn có thực sự dành thời gian để hoàn thành những mục tiêu ấy?
 
Nếu bạn không có được sự cam kết, bạn sẽ nhận ra rằng, thật quá dễ để bị phân tán bởi những thứ tầm thường xung quanh mình.
 
Và lúc này, việc hoàn thành mục tiêu rồi sẽ chỉ trở thành một trong hàng trăm thứ mà bạn bỏ dở giữa chừng, áy náy một khoảng thời gian, rồi quên nó đi như thể nó chưa từng xảy ra.
 
Bạn khác gì so với những nhà sư chạy marathon?
 
Thật may mắn rằng, có rất nhiều sự khác nhau giữa bạn và một nhà sư Tendai. Bạn hoàn toàn “có quyền được sai”, bạn sẽ không chết nếu bạn thấy bại, mà thay vào đó là những bài học.
 
Không chỉ có thế, bạn còn luôn có thể thay đổi ý định của mình. Nếu bạn cam kết với một mục tiêu nào đó và dành hàng năm trời để hoàn thành nó, để rồi sau đó bạn thấy rằng thực ra nó không hẳn là điều mà bạn muốn… đoán xem? Đúng thế, bạn được tự do thực hiện lại quyết định của mình.
 
Bạn không cần lo lắng về việc phải cam kết với một thứ và chắc chắn rằng nó là thứ đúng đắn, là thứ tốt nhất. Nếu bạn vẫn đang phân vân giữa hai lựa chọn, hãy cứ chọn lấy một. Bạn vẫn luôn có thể chọn lại.
 
Nguồn: Jamesclear