Ngày nghỉ, trong một rừng những bài báo, bỗng nhiên một bạn hữu gửi cho tôi link của bài viết này và nói với tôi: “Anh ơi, đây có lẽ là lý do tại sao sách giả phát triển mạnh ở Việt Nam đến vậy và có lẽ khó có nhiều tác phẩm hay nếu cứ thế nào”. Tôi tò mò đọc thử bài viết này của nhà báo Đức Hoàng và thấy rất thấm thía và đồng cảm cùng tác giả.
Anh Đức Hoàng lý giải rất đúng về lý do tại sao Việt Nam khó có các nhà văn lớn, nhà báo giàu có hay những trí thức giàu có đúng nghĩa? Và cũng gần như sẽ KHÔNG BAO GIỜ có khả năng có phim nào đạt giải quốc tế như Oscar hay bất cứ một giải thưởng nào uy tín hoặc tôi nghĩ khó mà có thêm một Nguyễn Hà Đông thứ hai. Đơn giản bởi vì nạn ăn cắp bản quyền và sao chép lậu hay ăn cắp chất xám một cách trắng trợn mà không có bất cứ một sự bảo vệ bản quyền nào.
Một đoạn “than trời” của anh Đức Hoàng đọc cực thấm:
“Vấn đề của cái gọi là “nền công nghiệp giải trí Việt Nam” là thế này: bạn không được luật pháp bảo vệ. Sách in ra là có sách lậu hoặc bản ebook miễn phí. Phim làm xong là trên mạng chiếu đầy bản HD (mà dân mình cũng không cần bản HD, nhòe nhoẹt tí mà miễn phí vẫn xem tốt). Nhạc thì may quá, các ca sĩ tìm ra cách thỏa hiệp. Họ ra album làm tên tuổi thôi, vì đằng nào mấy hôm cũng đầy bản mp3 trên mạng. Họ dùng tên tuổi ấy đi chạy show quần quật. Vài năm gần đây các ca sĩ có vẻ chẳng buồn ra album nữa, có tác phẩm mới nào họ quăng thẳng lên mạng cho dân nghe lấy tiếng mà chạy show.
Bạn hẳn vẫn nhớ rằng một trong những lý do mà Nguyễn Chánh Tín lúc sinh thời đưa ra cho sự phá sản của mình, là vì phim Dòng máu anh hùng do ông đổ tiền làm bị sao chép, không bán được. Tác phẩm được đối xử đặc thù và chúng ta có một nền văn hóa đại chúng đặc dị.
Ngày mới bắt đầu viết, tôi cũng như bao tác giả trẻ, nuôi một niềm bi phẫn với các tác giả Việt Nam. Tôi cho rằng họ lười suy nghĩ, tôi lên án các bậc đàn anh trì trệ. Cuộc sống thì ngồn ngộn chất liệu, sao không viết được cái gì ra hồn. Văn học thì quanh quẩn phố thị. Ca khúc thì quanh quẩn tình ái. Điện ảnh thì quanh quẩn với quá khứ của chính nó. Tôi sẽ sửa chữa điều này bằng nhiệt huyết của mình.
Nhưng đến lúc xông ra, tôi mới nhận ra rằng than ôi, làm gì có ai sống bằng tác phẩm. Hay nói nôm na, không ai bán cái tác phẩm mình làm ra lấy tiền mà sống được. Luật pháp cơ bản không bảo vệ quyền sống bằng tác phẩm của người sáng tạo. Thậm chí có giai đoạn tôi tin rằng chưa bao giờ luật pháp có ý định bảo vệ điều đó trong lãnh thổ Việt Nam. Nghệ sĩ có ra tác phẩm, dù là diễn viên, nhà văn, ca sĩ, hầu hết là để lấy tiếng rồi làm việc khác kiếm sống. Tác phẩm thì từ lúc xuất bản đã xác định là “hiến tế” cho Internet rồi.
Năm 2016 tôi gặp Thomas Maier ở New York. Tôi hỏi ông, đại ý, làm sao giữ được nhiệt huyết viết nhiều tác phẩm báo chí lớn như vậy. Ông hiểu tôi hỏi chuyện miếng cơm manh áo, và khuyên rất thành thật: anh cứ viết báo, nhưng chất liệu để viết báo sau này anh có thể đào sâu, rồi anh in thành sách. Ông kể chuyện quyển Master of Sex của mình, cũng là từ một nhân vật báo chí, đã được chuyển thể thành phim đang chiếu rồi. Vì lẽ đó nên ông rất cần cù, ngày nào cũng ngồi vào bàn lúc 9 giờ tối. Hôm nào lười thì con cái sẽ mắng, bắt đi viết.
Tôi nghe xong chỉ biết cười. Lời khuyên chân tình nhưng cái giải pháp “in sách” làm đường mưu sinh thì tôi không học được. Câu chuyện của một tác giả ở Mỹ, in sách ra là có thể sống bằng tác quyền đến bất cứ khi nào sách còn bán được, và nếu là loại bestseller được chuyển thể thì chắc kiếm được hàng trăm nghìn USD bằng tác phẩm, cơ bản không liên quan gì đến cuộc đời tôi. Buổi tối tôi không ngồi vào bàn cũng chẳng sao, vợ tôi sẽ bảo: “May quá, lấy xe máy đưa em đi siêu thị một tí”.
Bạn có thể chưa nhận ra: ngay cả các nhà sản xuất, như các hãng phim truyền hình hay chính VnExpress, cũng làm ra các tác phẩm rồi sau đó dùng sự thu hút của mình để bán quảng cáo. Nhà đầu tư không tự bán cái tác phẩm mình đã làm ra được. Sao phải trả tiền để xem, trên mạng đã copy đầy. VFC không giống HBO nên đời tôi cũng không giống Thomas Maier được.
Khoảng cách lớn nhất giữa tôi và Thomas Maier không phải là hai nền văn hóa, hai nền giáo dục mà là hai nền hành pháp.
Có thể hôm nay, trong tư cách một khán giả, bạn vẫn nuôi sự bi phẫn với đám “nghệ sĩ lười” tại Việt Nam. Bạn cho rằng họ quá thiếu não, thiếu tình yêu nghề để sinh ra những tác phẩm lớn. Nhưng sự xuất hiện của tài phiệt Miky Lee trên sân khấu lễ trao giải Oscar, nói rằng thành công một cách hệ thống phải bắt đầu từ một hạ tầng mạnh.”
Bạn có biết tại sao Nghệ sĩ, nhà văn hay tác giả viết sách của Việt Nam lười? Vì họ không được Pháp Luật bảo vệ triệt để.
Đơn giản, sách lậu tràn ngập trên internet, trên facebook bán công khai, trên các gian hàng điện tử, các Mall hay các con phố công khai sách lậu như Đinh Lễ, Hà Nội. Còn các nhà xuất bản thì thay nhau giảm giá 20-30-40-50% để cạnh tranh ngược lại với sách lậu!!! Một sự ngược đời vô lý phải không?
Tôi sẽ không biết tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài bao lâu nữa, 5-10-20 năm? Tôi không biết chắc, nhưng tôi biết 1 điều rất rõ là sẽ không có nhà tư tưởng hay nhà văn lớn cho Việt Nam nếu họ không sống được đàng hoàng bằng ngòi bút và giàu lên nhờ ngòi bút (đánh máy) và tác phẩm của họ. Rất khó để có một nghệ sĩ giàu bằng bản quyền thực sự.
Trong lúc chờ “chưa được vạ thì má đã sưng”, chúng tôi, những tác giả “mới măng non” chớm nở chỉ còn biết có một niềm tin vào những độc giả của mình, những người sinh ra trong một thế hệ đàng hoàng hơn, giàu có hơn và văn minh hơn. Thế hệ Z – nói không với bản quyền lậu.
Và đó cũng là sự khác biệt của thế hệ trẻ hiện tại, tôi đã thấy có những sự chuyển mình và họ đã không còn chấp nhận sự crack, hack hay bản quyền lậu mà họ đã yêu và ủng hộ tác giả thực thụ.
Có lẽ, vòng tròn niềm tin của bài báo sẽ là “sự tự cứu mình” với những hi vọng: 1) tác phẩm của mình thêm nhiều gía trị và cho đi nhiều hơn nữa 2) Sự tiến hoá của văn hoá đọc và kinh tế 3) Pháp luật ngày càng tiến bộ và chặt chẽ hơn?
Chào tháng 5, chào các bạn độc gỉa và bạn hữu yêu quý của tôi.
Tôi chỉ mong các bạn “thương” và muốn tiếp tục phụng sự các bạn.
Với tôi, vậy là ổn được 99% rồi. Còn lại 1% sẽ là “Đời là thế” Cest la vie’
ThaiPham
Vòng_xoáy_của_niềm_tin
#Nghệ thuật sống là nghệ thuật cho đi
https://vnexpress.net/vong-tron-cua-niem-tin-4053206.htm