Có rất nhiều lý do khiến mục tiêu của chúng ta không thành hiện thực. Điều đó có thể rơi vào phương pháp, động lực, may mắn,… Nhưng một trong những sai lầm “tai hại” nhất là chúng ta sai từ bước đầu tiên của việc xác nhận mục tiêu.
Trước khi hướng dẫn cho bạn bước chính thức tiếp theo trong Thiết kế Hành vi, tôi muốn bạn hiểu ý nghĩa lớn hơn của việc thiết kế hướng đến sự thay đổi.
Một sai lầm lớn trong cách mọi người thường tiếp cận những sự thay đổi là cách họ quyết định hành vi nào sẽ áp dụng vào thực tế. Cách mọi người quyết định đi từ điểm A (điểm khởi đầu) đến điểm B (đạt được nguyện vọng hoặc kết quả của họ) rất khác nhau, và đây là một số cách sai phổ biến nhất mà mọi người hay gặp phải.
(*) Bài viết được trích từ sách Tiny Habits: Thói quen tí hon – Tiềm năng khổng lồ, xem thêm thông tin sách tại đây:
Cách sai # 1: Chỉ phỏng đoán, không có phương pháp luận
Giả sử bạn đang đi xe buýt đến cơ quan. Khi đang kẹt xe, bạn nhìn ra cửa sổ và thấy một anh chàng đang đạp xe lướt qua. Bạn nghĩ, đó là một cách di chuyển để đi làm. Tôi nên làm điều đó! Tôi đã từng đạp xe. Tôi thích đi xe đạp! Thật không may, lần cuối bạn đi xe đạp là năm bạn 12 tuổi, và khoảng cách từ nhà đến chỗ làm hiện tại của bạn là 24 kilomet. Nhưng bạn thực sự muốn làm điều này (trong thời điểm đó!). Vì vậy bạn mua một loạt các thiết bị tại một cửa hàng xe đạp. Bạn trang bị tất cả vào ngày hôm sau, và khi bước ra khỏi cửa, bạn phát hiện ra trời lạnh và đang mưa. Bạn đã không mua đồ dùng cho trường hợp này, vì vậy bạn cảm thấy lo lắng và thất vọng. Và sau đó bạn đi bộ đến trạm xe buýt. Cuối cùng, đạp xe đi làm hóa ra lại không phù hợp với bạn.
Vấn đề với cách tiếp cận này là bản chất lộn xộn của nó. Nó giống như chơi roulette, có thể bạn sẽ mua đúng món đồ sẽ giúp bạn thực hiện hành vi, có thể không. Hành vi của bạn là một bước nhảy vọt quá lớn, hoặc không. Có thể điều đó thực tế với cuộc sống của bạn, có thể không.
Với Thiết kế hành vi, bạn không cần đoán bừa.
Được rồi, vấn đề tiếp theo.
Cách sai # 2: Cảm hứng từ Internet
Nhiều người trong chúng ta xem các bài thuyết trình trực tuyến và được truyền cảm hứng. Rất nhiều diễn giả có những câu chuyện tuyệt vời và làm những điều tuyệt vời. Giả sử bạn xem một video về một nhà sư Phật giáo – là một bậc thầy thiền định. Ông ấy đang nói với sự khôn ngoan và duyên dáng. Ông ấy không hề căng thẳng hay thậm chí khó chịu một chút nào. Ông ấy đang cho bạn biết về huyết áp (tuyệt vời) và nhịp tim khi nghỉ ngơi của mình (thậm chí còn tuyệt vời hơn) và ông ấy trình bày các bản quét não để chứng minh điều đó. Bạn nghĩ: “Ôi trời ơi. Tôi thấy sức mạnh của thiền định. Mọi người đã làm điều này trong hàng ngàn năm.”
Vào cuối buổi nói chuyện, ông ấy nói rằng 30 phút mỗi ngày là tất cả những gì bạn cần để cải thiện cuộc sống của mình theo những cách không thể chối cãi về mặt khoa học này. Bạn vô cùng kinh ngạc. Bạn phải làm điều này. Bạn sẽ làm điều này. Cùng ngày hôm đó, bạn thực sự ngồi trong ba mươi phút khi thiền sư gợi ý. Bạn đấu tranh để trấn tĩnh tâm trí của mình, nhưng bạn cảm thấy khá tốt. . . cho đến khi bạn cảm thấy nhàm chán. Ngày hôm sau bạn thử mười lăm phút. Bạn cảm thấy ổn trong một khoảng thời gian. Vài ngày sau đó bạn không thực hành được, và vài ngày khác, bạn không thể yên tâm. Bạn đã thử và bạn thất bại, và bạn cảm thấy tồi tệ về điều đó. Cuối cùng bạn dừng lại.
Tại sao việc thiền định không hoạt động?
Để bắt đầu, bạn không phải là một tu sĩ Phật giáo. Nhưng chủ yếu là do hành vi này có thể quá khó đối với bạn. Hơn nữa, bạn có thể bắt đầu với những kỳ vọng không thực tế về thiền định. Thiền sư Phật giáo có ý tốt, nhưng ông ấy đang nói về những gì có ích cho mình – chính bản thân ông ấy. Vì thế ngồi thiền có thể không hiệu quả với bạn theo cách mà nó hoạt động với ông ấy. Điều tiếp theo cần xem xét là các video bạn đang xem, các bài báo bạn đang đọc và các blogger bạn đang theo dõi có phải là nguồn thông tin đáng tin cậy hay không. Mặc dù cách tiếp cận để lựa chọn hành vi này tốt hơn là chỉ phỏng đoán, nhưng nó vẫn có rủi ro, vì cách tiếp cận này không dựa trên bất kỳ tiêu chí nào ngoài những điều khiến bạn phấn khích trong một thời gian ngắn.
Cách sai # 3: Làm theo bạn bè
Lời khuyên từ bạn bè hoặc thành viên trong gia đình là ý nghĩa tốt nhất, nhưng đó không phải là cách tốt nhất để bạn có thói quen mới. Mặc dù yoga nhiệt có thể đã thay đổi cuộc sống của bạn bè bạn, nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa với việc cách tập luyện này phù hợp với bạn? Tất cả chúng ta đều có những người bạn khẳng định rằng thói quen mới dậy lúc 4 giờ 30 phút sáng đã thay đổi cuộc sống của họ và chúng ta phải làm điều đó.
Tôi không nghi ngờ việc dậy thật sớm có thể thay đổi cuộc sống của mọi người, đôi khi theo hướng tốt và đôi khi không. Nhưng hãy thận trọng: Bạn không biết liệu thói quen này có thực sự giúp cuộc sống của bạn tốt hơn hay không, đặc biệt nếu điều này khiến bạn ngủ ít hơn. Vì vậy, bạn có thể thử những gì phù hợp với bạn bè của mình, nhưng đừng tự vùi dập bản thân nếu gợi ý của bạn bè không giúp bạn theo cách tương tự.
Tất cả những cách tiếp cận này đều liên quan đến việc phỏng đoán và may rủi. Và đó không phải là một cách hay để thiết kế cho sự thay đổi trong cuộc sống của bạn. Việc có các tiêu chí được hệ thống hóa về cách thức lựa chọn hành vi cho bản thân sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả, và bước tiếp theo trong Thiết kế Hành vi sẽ giúp bạn không phải phỏng đoán nữa.
Trích từ sách Tiny Habits: Thói quen tí hon – Tiềm năng khổng lồ
Có thể bạn quan tâm: TINY HABITS: THÓI QUEN TÍ HON – TIỀM NĂNG KHỔNG LỒ