Tất cả chúng ta đều có một mối quan hệ rõ ràng với tiền, mặc dù điều đó diễn ra gần như vô thức và không được để tâm tới.
Nó định hình những trải nghiệm của chúng ta với cuộc sống, những cảm xúc sâu sắc nhất của chúng ta về bản thân và về người khác. Dù bạn tiêu đồng đô-la, yên, rupi,… thì tiền luôn là một trong những vấn đề trung tâm, mấu chốt trong cuộc sống của bất cứ ai. Điều này đúng trong trường hợp của tôi, và cũng đúng đối với tất cả những người tôi từng gặp, dù họ có nhiều hay ít tiền.
Mọi người đều thích tiền, và hầu hết chúng ta đều cảm thấy một mối quan tâm, thậm chí là nỗi sợ hãi dai dẳng rằng chúng ta sẽ không bao giờ thật sự có đủ, hoặc có thể giữ đủ tiền.
Nhiều người trong chúng ta và coi tiền không quan trọng, hoặc nghĩ rằng không nên quan trọng hóa nó. Nhiều người khác sống công khai với quan điểm đặt việc kiếm được thật nhiều tiền làm mục đích hàng đầu. Dù số tiền chúng ta có, hay không có, là nhiều hay ít, nỗi lo chúng ta không có hoặc sẽ không có đủ luôn khiến ta bứt rứt không yên. Chúng ta càng cố để có tiền, thậm chí cố lờ đi hay vượt lên trên nó, tiền càng khít chặt vòng kiềm tỏa lên cuộc sống của ta.
Tiền đã trở thành sân chơi mà tại đó, chúng ta đánh giá khả năng và giá trị của mình bằng cách so sánh với người khác. Chúng ta lo rằng nếu không ra sức kiếm thêm tiền thì có lẽ chúng ta sẽ mất vị trí trong đội hoặc lợi thế trong cuộc chơi. Nếu không giành được thế trận, chúng ta cảm thấy mình đang thất bại. Nếu không dẫn đầu hay chí ít là ngang bằng với người khác trong cuộc đua tài chính, chúng ta cảm thấy mình đang tụt lại phía sau và cần nỗ lực để bắt kịp đối thủ. Cuộc chơi có lúc thật thú vị, có lúc thật đáng sợ, nhưng rủi ro bao giờ cũng lớn bởi trên sân chơi tiền bạc, nếu không phải là người chiến thắng, chúng ta chỉ có thể là kẻ chiến bại.
Thậm chí ngay cả khi cuộc chơi đang thuận lợi, chúng ta vẫn thường cảm thấy một sự hụt hẫng, một khoảng cách vời vợi giữa hình ảnh cuộc sống lý tưởng ta hằng hình dung với cuộc đời thực ta đang sống hàng ngày, bị đè nặng dưới sức ép của những trăn trở thường nhật làm thế nào kiếm được nhiều tiền hơn, mua sắm nhiều hơn, tiết kiệm nhiều hơn, giành được nhiều hơn, sở hữu nhiều hơn, và trở thành người quan trọng hơn. Có thể bạn cho rằng một tài sản khổng lồ sẽ mang đến sự bình yên và tự do, nhưng những người giàu có sẽ cho bạn biết sự thật không phải vậy. Đối với họ, cái giá phải trả cho trò chơi thì lớn hơn nhưng bản chất trò chơi thì vẫn vậy. Dù bạn là một vị tổng giám đốc kiếm được 7 triệu đô-la vào năm ngoái, nhưng nếu người cùng chơi golf với bạn vừa đàm phán thành công một hợp đồng trị giá 10 triệu đô-la, còn bạn thì không, điều đó cũng đã đẩy bạn tụt lại phía sau trong cuộc chơi tiền bạc.
Khi số tiền đặt cược vào trò chơi càng lớn, ta càng có nhiều thứ để mất, và việc dẫn đầu trong trò chơi càng đòi hỏi nhiều thứ hơn. Không ai thoát khỏi những tác động của tiền. Tất cả mọi người đều phải đương đầu với những thăng trầm về tiền bạc trong cuộc đời mình.
Dù xem xét tiền bạc trên góc độ cuộc sống cá nhân hay gia đình, tại công sở, hay trên thực trạng kinh tế và phát triển của cả đất nước, chúng ta vẫn chỉ thấy duy nhất một bức tranh: Tiền chính là yếu tố cấu thành có sức thôi thúc mạnh mẽ, trớ trêu, kỳ diệu, bị phỉ báng và hiểu lầm nhiều nhất của cuộc sống hiện đại.
Trích sách Linh hồn của tiền: https://bit.ly/linh-hon-cua-tien-tiki
– Thai Pham Happy Live – Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn
Có thể bạn quan tâm:
LINH HỒN CỦA TIỀN – ĐÁNH THỨC SỰ GIÀU CÓ TỪ NỘI LỰC CỦA CHÚNG TA