BIẾT MÌNH QUA “CỬA SỔ JOHARI”

BIẾT MÌNH QUA “CỬA SỔ JOHARI"
Lý thuyết Cửa sổ Johari được xây dựng và phát triển bởi Joseph Luft và Harry Ingham. Đây là một công cụ có thể giúp mọi người hiểu và biết về mình hơn, mong muốn cải thiện bản thân, cũng như hiểu mối quan hệ của mình và người khác.
“Chiếc cửa sổ” này gồm có 4 ô cơ bản:
1. Ô MỞ: Mình biết – Người khác biết
Đây là những đặc điểm của bản thân mà mình biết và người khác cũng biết đến như thông tin cá nhân, vóc dáng, màu tóc, trang phục…
Khu vực này được coi là không gian có sự liên lạc, hợp tác và kết nối mà giữa bạn và người khác không bị lúng túng, hiểu nhầm và mâu thuẫn.
Vì vậy, để phát triển mối quan hệ tốt hơn, chúng ta cần mở rộng “diện tích Ô MỞ”. Người khác có thể được biết thêm về bạn như tác phong làm việc, sở thích, cách giao tiếp, nỗi sợ hãi của bạn… Điều này vô cùng quan trọng để hiểu và làm việc cùng nhau, nhìn nhận những điểm mạnh và điểm yếu của nhau. Một khi “Biết người biết ta”, thì chắc chắn hiệu quả trong công việc và trong tương quan với người khác sẽ phát triển.
Bí quyết để mở rộng diện tích Ô MỞ về hướng 3 ô còn lại là:
• Hỏi người khác
• Chia sẻ với người khác về mình
• Tự mình khám phá
2. Ô MÙ: Mình không biết – Người khác biết
Giống như một người mù, họ không thể nhìn thấy hình dáng tay chân của chính mình, nhưng người khác nhìn rõ trọn vẹn ngoại hình của họ.
Khu vực mù này có thể được coi như là sự thiếu hiểu biết về bản thân.
Có những điều bạn làm trong vô thức mà mình không hề biết, giống như là tiếng ậm ừ, thói quen nói nhanh khi thuyết trình, tính khí thất thường… Chúng ta chỉ biết được điều này khi nghe được những phản hồi từ người khác.
Do đó, hỏi người khác chính là một cách hay nhất để chúng ta thu hẹp diện tích “Ô MÙ” để mở rộng “Ô MỞ”. Đôi khi việc hiểu bản thân mình không chỉ đến từ việc mình tự nghiền ngẫm nhưng còn đến từ những lời chia sẻ, góc nhìn của người khác về bản thân ta.
3. Ô ẨN: Mình biết – Người khác không biết
Nơi đây chứa đựng những điều bí mật mà bạn luôn giấu không cho người khác biết. Đó là những nỗi sợ, ý định, sự nhạy cảm… Điều này có thể xuất phát từ những bức tường hoặc chiếc mặt nạ chúng ta đeo để bảo vệ bản thân.
Sự hiểu nhầm và mâu thuẫn cũng xuất phát từ đây. Chính vì ta giấu đi những bí mật về chính mình, người khác không thể biết được thông tin chính xác mà chỉ có thể đoán, quy kết những điều hoàn toàn trái ngược về chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy khó chịu và gây nên sự bất đồng.
Khi chúng ta thoải mái chia sẻ về mình với người khác, về những suy nghĩ, cảm nhận, những nỗi lo… Điều này sẽ tăng sự hiệu quả khi tương tác, người khác tin cậy bạn hơn và tránh những hiểu nhầm không đáng có. Đây cũng là cách thu hẹp diện tích “Ô ẨN”.
4. Ô ĐÓNG: Mình không biết – Người khác cũng không biết
Vậy thì bắt đầu từ đâu để nhận biết về mình?
Những dữ kiện mà cả bản thân bạn và người khác không biết chỉ được khám phá khi bản thân có cơ hội giao tiếp nhiều (đặc biệt là sự tin tưởng nhau trong giao tiếp với nhóm nhỏ), và có cơ hội bộc lộ con người mình như tiềm năng, năng khiếu, sức sáng tạo… Môi trường sống và trải nghiệm nhiều sẽ cho bạn cơ hội và điều kiện để khám phá và phát huy những nguồn lực này.
Vậy nên, hãy hành động để thấu hiểu bản thân mình.
Lý thuyết về “Cửa sổ Johari” được ứng dụng nhiều trong giao tiếp. Điểm quan trọng nhất là bạn phải đặt mục tiêu mở rộng Ô Mở của mình và tất cả mọi người. Khi chúng ta cởi mở với người khác sẽ làm cho hiệu quả cá nhân và hiệu quả nhóm được nâng cao. Ô Mở là không gian phù hợp nhất để có thể giao tiếp một cách thoải mái, từ đó phát triển các mối quan hệ trở nên bền vững.
-ST-
– Thai Pham Happy Live – Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn

Có thể bạn quan tâm:

Combo sách Khai phá sức mạnh tiềm thức – Đánh thức con người phi thường trong bạn

Bộ sách Khai phá sức mạnh tiềm thức

? ĐẶT SÁCH NGAY?