CHÂN THIỆN HAY GIẢ THIỆN?

Xưa có một số nho sinh yết kiến Trung Phong hoà thượng (một vị cao tăng triều đại nhà Nguyên) hỏi: “Nhà Phật bàn thiện ác báo ứng như bóng theo hình, tức làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, nay có người nọ thiện mà con cháu không được thịnh vượng, mà kẻ kia ác thì gia đình lại phát đạt, vậy là Phật nói về việc báo ứng thực vô căn cứ sao?”
 
Hoà thượng nói: “Người phàm tâm tính chưa được tẩy sạch, chưa được thanh tịnh, tuệ nhãn chưa khai, thường nhận thiện làm ác, cho ác là thiện; người như vậy không phải là hiếm có, đã tự mình lẫn lộn phải trái cho ác là thiện, cho thiện là ác, điên đảo đảo điên mà không hay lại còn oán trách trời cho báo ứng là sai, là không công bằng ư“.
 
Nho sinh lại hỏi: “Mọi người thấy thiện thì cho là thiện, thấy ác thì cho là ác, sao lại bảo là lẫn lộn đảo điên vậy?”
 
Hoà thượng bảo họ thử thí dụ xem sự tình thế nào là thiện thế nào là ác.
 
Một người trong bọn nói: “Mắng chửi đánh đập người là ác, tôn kính lễ phép với người là thiện“.
 
Hoà thượng nói: “Không nhất định là như vậy“.
 
Một người khác cho là: “Tham lam lấy bậy của người là ác, gìn giữ sự thanh bạch liêm khiết là thiện“.
 
Hoà thượng cũng bảo: “Không nhất định là như vậy“.
 
Mọi người đều lần lượt đưa ra thí dụ về thiện và ác, nhưng Trung Phong hoà thượng đều bảo là không nhất định là như vậy.
 
Nhân thế bọn họ đều thỉnh hoà thượng giảng giải cho.
 
Hoà thượng Trung Phong chỉ dạy rằng: “Giúp ích cho người gọi là thiện, chỉ vì có ích cho mình gọi là ác. Vì giúp ích cho người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì mang ích lợi đến cho mình nên dù có kính trọng người cũng vẫn là ác.
 
Vì vậy người làm thiện đem lại ích lợi cho người là công, mà công tức là chân, còn vì lợi cho mình ấy là tư, mà tư tức là giả. Lại nói thêm, việc thiện tự lòng phát ra là chân, đua đòi học theo là giả…
 
Lại nữa làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là chân thiện, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là giả thiện. Hơn nữa hành thiện mà không nghĩ đến một sự báo đáp nào cả là chân thiện, trái lại còn hy vọng có sự đền đáp là giả thiện, đó là những điều tự mình cần khảo sát kỹ lưỡng”.
 
-st –
 
Có thể là hình ảnh về 1 người
 
P/s Lạm bàn: có những con người thông minh, nhưng cả đời cứ chật vật tìm con đường “tắt” (shortcut) để thành công, thay đổi phong cách thường trực, tư duy, ý chí đảo như…rang lạc, thiếu kiên định và bền chí theo đuổi con đường mình đã chọn nên thường cứ vẫn long đong mãi không thành công lớn vì việc gì làm cũng không tới nơi, tới chốn.
 
Cái gọi là chân thiện, hay giả thiện ở câu chuyện phía trên xuất phát điểm góc nhìn luôn ở cái GỐC (core) của cái tâm trong mọi vấn đề. Nếu cái gốc chuẩn, nền móng suy tưởng đúng đắn thì hành động nào cũng sẽ mang lại hoa trái, sớm hay muộn mà thôi.
 
Good share for Sunday ☺️