Rất nhiều bạn trẻ gửi tin nhắn cho tôi và hỏi rằng: “Sống “chậm” hay “nhanh” để làm chủ nhịp bước cuộc đời?”
Ở ngưỡng cửa then chốt của khát vọng tuổi trẻ, bạn sẽ lựa chọn tăng tốc trên chiếc cano lướt cao trên đầu ngọn sóng hay dong thuyền trôi từ tốn từng ngày? Bạn chọn sống “nhanh” hay sống “chậm”?
Dù phương tiện thăng tiến của bạn là gì, bạn cũng sẽ trở thành một nhà cầm lái tài ba nếu tìm được sự dung hòa giữa khát vọng của bản thân và cuộc sống bao la để thấu hiểu nội tại và đi tìm hạnh phúc cho từng nấc thang cuộc đời.
Từng thời khắc trong đời trôi qua cũng là từng ấy thời gian mọi thứ xung quanh cũng không ngừng vận hành và phát triển. Giữa guồng quay ấy, đôi khi vì gặp khó khăn hay vấp ngã, hay chỉ đơn thuần thất vọng về điều gì đó, bạn chợt muốn hạ nhiệt bản thân, muốn được “chậm” lại. Nhất là khi xung quanh chúng ta hiện nay liên tục những thông điệp “sống chậm” được truyền đi, bạn rơi vào lằn ranh mong manh đó rồi “ủ” mình trong chiếc vỏ “sống chậm”, nhưng liệu bạn đã hiểu được ý nghĩa của hai từ này? Bạn đừng để bản thân “sống chậm” bằng cách tự tách mình ra khỏi guồng quay năng động của cuộc sống khi năng lực của bạn vẫn còn đang tràn đầy. Đừng để bản thân thui chột ý chí cạnh tranh để rồi dần mất hẳn lòng nhiệt thành với công việc mà bạn khao khát bấy lâu nay. Bạn lấy cớ rằng mình đang lái thuyền nên chẳng thể đi nhanh, thay vì nỗ lực bằng cách tăng cường động cơ, bạn lại ì ạch mặc cho cơn sóng “dẫn” tàu về phía trước mà quên rằng một khi sóng “đổi chiều” – những yếu tố “thiên thời” không còn, con thuyền bạn đi liệu có còn theo hướng bạn mong muốn?
Hãy hiểu rằng, “sống chậm” không đồng nghĩa với lối sống tiêu cực, dập tắt đam mê, mất ý chí vươn lên và phó mặc mọi thứ. Mà khởi nguyên của “chậm” chính là tìm lại bản ngã tích cực, không ngừng lao động, sáng tạo, nỗ lực để mang về những thành quả tốt đẹp. Song song đó là những cố gắng không ngừng để vun đắp những giá trị cốt lõi trong tâm hồn, làm chủ và sở hữu được tinh thần hăng hái để nhận ra và chọn lọc những giá trị bền vững và trân quý trong cuộc sống. Và để hội đủ những tố chất sống còn, mỗi cá thể cần trui rèn cho mình bản lĩnh sống đủ thông minh, đủ tài tình, đủ phi thường để đứng trước những cơn sóng thử thách của đời người giúp bạn nhào nặn nên lối sống hài hòa và phù hợp.
Khi trở thành một bậc thầy của cuộc sống, bạn sẽ không e ngại giữa khái niệm “nhanh” và “chậm” nữa mà sẽ biết cách gia giảm để trở thành một nhà cầm lái thực thụ để kết hợp cả hai như vốn gia vị cuộc sống không thể thiếu, có chăng là bổ khuyết cho nhau để mang đến cho bạn đời sống thăng hoa hơn.
Suy cho cùng, “Sống chậm không hề tước đoạt hay đặt dấu chấm hết cho tham vọng mà ngược lại trở thành tấm gương phản chiếu chân thực giúp bạn điều tiết để “sống nhanh” nhưng không trở nên quá vội vã.”
– Thai Pham Happy Live – Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn
Tôi luyện tinh thân chiến binh 1% cùng Thái Phạm: https://happy.live/…/bo-sach-toi-luyen-tinh-than-chien…/