STRESS CŨNG TỐT ĐẤY CHỨ

STRESS CŨNG TỐT ĐẤY CHỨ
Stress hay căng thẳng thường được xem là cảm giác tiêu cực như khi “deadline” chồng chất, việc gia đình rối ren, lịch trình sinh hoạt quá tải khiến chúng ta kiệt sức. Giáo sư Tâm lý tại Đại học American, Kathleen Gunthert cho biết: “Căng thẳng xảy ra khi chúng ta cảm thấy mất cân bằng giữa những thách thức phải đối mặt và nguồn lực mình đang có để có thể xử lý các thách thức đó. Các nhà nghiên cứu đã xác định được nhiều loại căng thẳng khác nhau như distress (căng thẳng tiêu cực), eustress (căng thẳng tích cực), acute stress (căng thẳng cấp tính) và chronic stress (căng thẳng mãn tính).”
Và dưới đây là 4 lợi ích hàng đầu của căng thẳng tích cực mà có thể bạn chưa biết:
1. Căng thẳng thúc đẩy động lực
Khi mức độ căng thẳng tăng cao có thể gây ra quá tải và giảm động lực. Tuy nhiên, duy trì một chút căng thẳng tích cực lại có thể có ích, vì nó tạo ra động lực thúc đẩy năng suất và chất lượng công việc.
Giáo sư tâm lý học Kathleen Gunthert chia sẻ: “Mức độ căng thẳng vừa phải đã được chứng minh có thể giúp nâng cao động lực. Ví dụ như stress do deadline có thể giúp chúng ta tập trung cao độ hơn vì nhận thức được thời gian hoàn thành công việc không còn nhiều. Ai cũng có hàng tá nhiệm vụ, mong muốn cần thực hiện nhưng hiếm người tìm thấy động lực để bắt tay vào hành động ngay, thực hiện kiên trì và hoàn thành chúng. Vì thế, đôi khi stress tốt lại chính là động lực thú vị giúp chúng ta chinh phục được những mục tiêu quan trọng trong đời.”
2. Căng thẳng tăng cường sự phục hồi
Peter Vitaliano, Giáo sư Tâm thần học và Khoa học hành vi tại Trường Y thuộc Đại học Washington cho biết: “Mặc dù stress có thể gây quá tải, nhưng nó cũng tạo ra động lực để con người đứng lên giải quyết vấn đề, thúc đẩy xây dựng sự tự tin cùng các kỹ năng quan trọng làm bàn đạp cho sự phát triển trong tương lai. Một khi khả năng phục hồi và sự tự tin ngày càng tăng, chúng ta cũng sẽ cảm thấy ít lo lắng hơn và kiểm soát tốt hơn các tình huống trong cuộc sống của mình.”
Allison Berwald, Nhân viên Xã hội tại New York cho rằng: “Tận dụng sức mạnh của căng thẳng để đối mặt với sợ hãi, thách thức có thể giúp bạn vượt qua thay vì trốn tránh nó. Và sau khi chiến thắng nỗi sợ, bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng hơn để đối phó với nó trong tương lai, từ đó đạt được thành công.”
3. Căng thẳng gia tăng sự kết nối
Giáo sư Kathleen Gunthert nói rằng: “Duy trì kết nối xã hội là một trong những cách tốt nhất giúp con người chống lại các vấn đề sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Khi chúng ta cảm thấy được yêu thương và thấu hiểu bởi người khác, chúng ta sẽ ít cảm thấy cô đơn, lạc lõng hơn.”
“Trong những lúc căng thẳng, điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho nhau là lắng nghe bằng đôi tai lẫn trái tim và yên tâm rằng những lời quan tâm cũng quan trọng như việc tìm ra giải pháp cho vấn đề.” – Fred Rogers
4. Căng thẳng giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn
“Căng thẳng là gia vị của cuộc sống”. – Hans Selye
Một cuộc sống không có stress chưa hẳn đã hoàn hảo. Tuy nhiên, ở cuối con đường đầy rẫy căng thẳng và biến động mà mỗi người trải qua lại là những trái ngọt chỉ dành riêng cho người dám đối mặt và vượt qua khó khăn.
Bất cứ điều gì cũng có cái giá của nó, trả được giá xứng đáng, chúng ta sẽ có được thứ mình muốn. Và những điều có thể khiến chúng ta tự hào hay mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống lại không bao giờ dễ dàng, nó đi kèm với áp lực, thách thức và căng thẳng. Vì thế, không có căng thẳng cũng giống như cuộc đời sẽ mất đi phần nào ý nghĩa đích thực.
(Thai Pham team tổng hợp)
– Thai Pham Happy Live – Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn