1. Vay nợ nhưng không suy nghĩ đến lúc trả
Sau khi trải qua 4 năm trên giảng đường, cuối cùng bạn cũng có được công việc chính thức với thu nhập hàng tháng. Bạn không còn phải thắt lưng buộc bụng như thời sinh viên, cũng không phải dè dặt xin tiền bố mẹ nữa. Những món đồ mà bạn ao ước bấy lâu giờ đã đến gần trong tấm với, như việc lên đời cho chiếc xe máy hay mua một chiếc laptop mới thật sành điệu.
Thế nhưng, đây là lúc bạn trở thành đối tượng mời chào hàng đầu của các loại hình vay trả góp và thẻ tín dụng. Với tâm lý tự tin rằng mình có nguồn thu nhập hàng tháng, nhiều người tự thuyết phục bản thân rằng mình có thể chi trả cho những món đồ này một cách dễ dàng, và kết quả là sa đà vào việc mua sắm những món đồ vượt quá khả năng tài chính của mình
Đây là lúc bạn tự trói buộc bản thân mình vào những món nợ. Dù lớn hay nhỏ, việc mang nợ là một rào cản làm chậm quá trình tích lũy tài sản đáng kể. Một khi mắc nợ, bạn không chỉ phải trả tiền để sở hữu những thứ quá tầm với của mình, mà còn phải trả thêm tiền cho lãi suất đi kèm.
Thêm vào đó, tốc độ tăng lương của bạn chắc chắn nhanh bằng tốc độ gia tăng lãi suất và lạm phát, nên thông thường bạn sẽ rất khó trả hết cả gốc lẫn lãi trong thời gian cho phép. Điều tệ hơn là bạn có thể sẽ thay đổi công việc trong vài năm đầu tiên của sự nghiệp, tức là thu nhập của bạn không hoàn toàn ổn định như bạn đã tưởng tượng.
Vì vậy, trước khi đặt bút kí một khoản vay trả góp nào, hãy nghĩ đến quá trình trả tiền sẽ còn kéo dài về sau và cân nhắc kĩ hơn về sự cần thiết của khoản vay ấy.
2. Vung tay quá trán khi mua sắm
Bạn có bao giờ thắc mắc rằng tại sao dù thu nhập của mình đã cao hơn, nhưng dường như vẫn cảm thấy không đủ để chi tiêu? Thực chất đây là một hiện tượng rất phổ biến trong quản lý tài chính: nhu cầu mua sắm của bạn sẽ luôn tăng theo mức thu nhập.
Trước kia bạn có thể hài lòng với những quán ăn bình dân, nhưng khi thu nhập tăng, bạn sẽ chỉ thích đến những nhà hàng sang trọng. Nếu khi còn là sinh viên, việc đi chợ trời là một thói quen thì khi đã có thu nhập tốt hơn, bạn sẽ luôn muốn vào siêu thị để mua sắm cho thoải mái.
Do đó, cách tốt nhất để tránh vung tay quá trán là đặt giới hạn chi tiêu dưới mức thu nhập của bạn. Hãy tưởng tượng mình đang có mức thu nhập thấp hơn số tiền thực tế bạn kiếm được để điều chỉnh thói quen mua sắm trong phạm vi đó. Số tiền dư ra chính là số tiền bạn có thể tiết kiệm và đầu tư cho tương lai tốt đẹp hơn.
3. Không biết chờ đợi
Nguyên nhân chính dẫn đến việc vung tay quá trán hay chìm đắm trong nợ tín dụng là do bạn không thể chờ đợi để sở hữu một món đồ ngoài tầm với của mình. Thay vì kiên nhẫn tích cóp trong thời gian dài để có đủ khả năng chi trả một lần, bạn chọn con đường tắt là mua trước và kiếm tiền bù lại sau.
Cách làm này không những có hại đến ví tiền của bạn, mà còn khiến bạn kiệt quệ sau mỗi lần mua sắm vì phải cật lực kiếm tiền bù vào sau đó. Hơn thế nữa, sự thỏa mãn khi sở hữu món đồ ấy sẽ phai nhạt rất nhanh, thay vào đó là nỗi lo lắng và stress khi hóa đơn ùn ùn kéo về.
Nếu bạn đã nghe về “thí nghiệm kẹo dẻo”, bạn sẽ hiểu được lợi ích của việc biết kiên nhẫn là vô cùng to lớn. Trong thí nghiệm kể trên, các em bé được cho một viên kẹo dẻo trước mặt và 2 sự lựa chọn: 1 là ăn viên kẹo đó luôn, hay là chờ đến khi người lớn quay lại và em sẽ được thêm 1 viên kẹo nữa.
Các nhà nghiên cứu sau đó ghi lại lựa chọn của các em bé tham gia, và tiếp tục theo dõi mức độ thành công trong học tập và công việc của các em trong nhiều năm về sau. Kết quả cho thấy, những em biết kiên nhẫn chờ đợi viên kẹo dẻo thứ 2 thể hiện tốt hơn trong trường học và có cuộc sống thành đạt hơn những em thiếu kiên nhẫn.
Do đó, thay vì sa đà vào những lời mời chào hấp dẫn của các cửa hàng, hãy tích cóp cho đến khi bạn đủ tiền để sở hữu món đồ ấy. Lúc đó, bạn không chỉ thành công trong việc duy trì tài chính ổn định, mà còn có được cảm giác thỏa mãn gấp nhiều lần khi sở hữu món đồ yêu thích.
4. Không bắt tay vào đầu tư ngay hôm nay
Bạn có biết một trong những bí quyết nào là then chốt đã giúp các triệu phú tự thân đạt được tài sản trong mơ không? Đó chính là: học cách đầu tư càng sớm càng tốt. Trong đầu tư, thời gian chính là liều thuốc tăng trưởng hữu hiệu nhất.
Khi bạn đầu tư, lãi suất bạn nhận được là lãi suất kép. Điều đó có nghĩa là bạn không chỉ thu lời trên số tiền gốc bạn bỏ ra, mà còn thu lời cả trên phần tiền lãi bạn kiếm được từ việc đầu tư tiền gốc. Đây chính là nguồn gốc của câu “tiền đẻ ra tiền”. Một phép tính đơn giản có thể cho bạn thấy bắt tay vào đầu tư sớm có thể đem lại lợi ích to lớn nhường nào.
Nếu bạn bắt đầu đầu tư vào năm 25 tuổi với 20 triệu mỗi năm vào một quỹ đầu tư có lãi suất khoảng 5%, đến năm bạn nghỉ hưu ở tuổi 60, bạn có thể thu về 12 tỷ. Tuy nhiên, nếu bạn đợi tới 34 tuổi mới bắt đầu, bạn chỉ thu về có 7 tỷ mà thôi. Sự chênh lệch này chính là cái giá mà bạn phải trả nếu không học cách đầu tư sớm hơn.
Ngoài ra, việc bắt đầu tham gia các loại hình đầu tư khi còn trẻ cũng đảm bảo rằng bạn có khả năng phục hồi tốt hơn nếu gặp phải rủi ro thua lỗ.
Vậy nếu bạn đã có một công việc với thu nhập ổn định và không có khoản nợ nào phải chi trả, hãy bắt đầu tiết kiệm và sử dụng nguồn tiền này để đầu tư sinh lời. Nằm vững 4 sai lầm này và cách ngăn ngừa chúng là con đường để bạn thiết lập một nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai sau này.
Theo Tri thức trẻ
Tìm kiếm những lời khuyên của tôi về tiền bạc dành cho bạn thông qua cuốn sách: 101 lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm: https://tiki.vn/101-loi-khuyen-tai-chinh-ca-nhan-tu-thai…?