Có những thời điểm, bạn có cảm giác như cả thế giới đang chống lại mình. Nhưng, “thế giới” ấy là gì? Đích xác, đó là thứ do chúng ta tưởng tượng ra thôi.
Thực tế là chẳng có thế giới nào… thèm chống lại bạn, chỉ là những thói quen hàng ngày mà chính bạn lựa chọn mới đang làm điều đó. Hãy xem đó là những thói quen tai hại nào, và tìm cách khắc phục trước khi quá muộn.
1. Không có lịch trình cụ thể cho buổi sáng
Thức dậy lúc 6h, tập thể dục, tắm nước lạnh, nghe nhạc, ăn một bữa sáng thật thịnh soạn? Đó may ra là lịch trình của một vài ngày trong cả tháng thôi. Còn các ngày còn lại, là những ngày ngủ quên tới tận 8h sáng, lật đật thức dậy, đánh răng rửa mặt và thay vội bộ quần áo để kịp đi làm.
Chuyện tập thể dục, tắm nước lạnh, nghe nhạc và ăn sáng ở trên, nếu có, chắc chỉ có trong giấc mơ.
Người ta nói thế này: Nếu ngay cả buổi sáng của bạn cũng phải để chiếc đồng hồ báo thức thúc giục, vậy thì đừng mong gì thành công. Thức dậy sớm không phải bản năng, mà là một loại bản lĩnh và tất nhiên, để tận dụng tối đa thời gian buổi sáng, bạn phải là người chủ động lên các kế hoạch cụ thể.
Tiểu thuyết gia Anthony Trollope có thói quen dậy sớm viết văn trong suốt mười mấy năm liền. Charlotte Walker, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Chicago đã sử dụng khoảng thời gian từ 6 đến 9 giờ sáng hằng ngày để nghiên cứu về chính trị và lịch sử ở Tây Phi. Cô ấy từng nói rằng: “Mặc dù mỗi ngày tôi đều có công việc, nhưng chỉ có buổi sáng mới khiến tôi cảm nhận rõ rệt về sự nghiệp của mình.”
Hãy hỏi bản thân: “Một buổi sáng hoàn mỹ là một buổi sáng thế nào?”
Ví dụ với tôi, mỗi buổi sáng dậy sớm để chạy bộ, sau đó mua buổi sáng về ăn với gia đình. Khi mọi người đi làm, tôi sẽ chuyên tâm viết một cuốn tiểu thuyết dài tập hoặc ra công viên, vừa nghe nhạc vừa viết một bài blog ngắn… Nói tóm lại, hãy lên kế hoạch cụ thể và hãy hành động.
2. Dành thời gian vàng cho những thứ chỉ đáng “bán đồng nát”
Mỗi người đều có khoảng thời gian vàng của mình trong một ngày.Đó là thời điểm mà chúng ta cảm thấy làm việc năng suất nhất.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là đừng sử dụng khoảng thời gian quý báu ấy cho những việc… không cần “não” như chuyện lướt mạng xã hội, chơi game, tán gẫu. Thay vào đó, hãy đọc sách vì đọc cũng là một cách học.
Dù là tiểu thuyết hư cấu, sách thường thức khoa học hay tạp chí, chúng đều giúp bạn mở mang kiến thức về thế giới. Ngoài ra, nên học thêm bất cứ thứ gì đó: Có rất nhiều khóa học miễn phí lẫn trả phí trên mạng, nhiều diễn đàn tự học, nhiều buổi workshop, hội thảo… Chỉ cần chịu khó đầu tư thời gian rảnh của mình vào đó, bạn sẽ không ngừng giỏi hơn… thay vì những thú chơi vô bổ.
3. Theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ.
Cùng luộc một quả trứng, nhưng có người thử hết lần này đến lần khác, canh thời gian, dùng đủ các loại kỹ thuật để luộc được một quả trứng lòng đào. Người khác, luộc chín là được.
Cả hai cách thì kết quả vẫn là… ăn. Vậy tại sao chúng ta cứ phải mất quá nhiều thời gian để làm trầm trọng hóa một chuyện vốn rất đơn giản?
Nhớ rằng trong nhiều trường hợp, “done is better than perfect” – hoàn thành thì tốt hơn là hoàn hảo.
4. Thích “ôm rơm nặng bụng”.
Chuyện này xuất phát từ hai yếu tố, một là sự ích kỷ, hoặc hai là sự đa nghi. Người ta ôm mọi thứ về mình, cái gì cũng muốn làm, để chứng tỏ, để khẳng định vị trí của bản thân. Hoặc người ta đa nghi, không thể tin tưởng một ai để giao việc. Nhưng nhìn xem, có người thành công nào mà chỉ làm việc một mình không?
Năm 1999, Jack Ma quyết định khởi đầu kinh doanh thương hiệu Alibaba cùng 17 người bạn. Ông luôn nhấn mạnh sự nghiệp thành công của mình là nhờ chọn đúng đối tác và sự lớn mạnh của Alibaba là nhờ công sức tưới tắm bởi mồ hôi nước mắt của đội ngũ nhân viên.
Hãy nhớ rằng, làm người tuyệt đối không được tự cho mình là nhất. Trái đất này dù thiếu vắng ai vẫn cứ quay tròn. Từ cổ chí kim, những kẻ cửa quyền hống hách đều không có kết cục tốt đẹp. Dù có giỏi giang đến mấy cũng phải luôn giữ thái độ khiêm tốn cẩn trọng. Làm tốt công việc của mình, nếu là vàng ắt sẽ tự phát sáng.
5. Mất nhiều thời gian để hồi phục.
Trong cuộc đời, ai chẳng mấy lần gặp thất bại.
Thất bại trong chuyện làm ăn, thất bại trong chuyện tình cảm, đủ cả.
Nhưng nếu không đủ bản lĩnh để vượt qua những chuyện thất bại ấy một cách nhanh chóng, có thể thành công sẽ bỏ qua bạn.
6. Trì hoãn.
Ngày mai tôi sẽ bắt đầu thói quen dậy sớm.
Ngày mai tôi sẽ tập thể dục.
Ngày mai tôi sẽ giải quyết nốt công việc.
Sự trì hoãn được coi là một trong những kẻ thù lớn nhất đối với thành công và hạnh phúc của bạn bởi nó ngăn cản bạn dấn thân và hành động vì mục tiêu đã định. Hay nói cách khác, thói quen TRÌ HOÃN chính là công thức cho sự THẤT BẠI.
7. Né tránh giải quyết vấn đề.
Trong 36 kế, chạy là tốt nhất? Điều đó không đúng với cách một người đàn ông trưởng thành đến với thành công.
Trong chuyện tình yêu, khi cãi nhau mà hai người không chịu ngồi lại để nói chuyện, cứ im lặng rồi thì sẽ dần xa nhau.
Trong chuyện công việc, mâu thuẫn nhỏ không giải quyết, rồi sẽ trở thành chuyện lớn và dẫn đến công tư bất phân.
8. Quên rằng bản thân là yếu tố quan trọng nhất của mọi thành công.
Người ta nói nhiều về cái giá của sự thành công: Là những ngày mất đi những mối quan hệ cũ vì không còn phù hợp, lao đi tìm kiếm nơi mà bản thân thuộc về; là những đêm mệt mỏi làm việc, để nắm bắt những cơ hội…
Nhưng hình như chúng ta đều quên rằng, bản thân mình mới là thứ quyết định thành công, chứ không phải là những mối quan hệ hay những thành tích đâu.
Vậy nên, hãy để yêu thương chính mình như một thói quen hàng ngày đã, rồi hãy đi tìm kiếm thứ gọi là thành công.
– Thai Pham Happy Live – Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn