Hành trình “lột xác” của một nhà đầu tư

Hành trình lột xác của một nhà đầu tư

Hành trình từ thử thách 66 ngày đến lớp Kungfu chứng khoán

Xin chào tất cả tất cả mọi người, câu chuyện tôi kể dưới đây trên con đường chinh phục ước mơ tự do tài chính hy vọng sẽ làm cảm hứng cho mọi người có khao khát như tôi, có niềm tin cháy bỏng mình sẽ làm được và làm tốt hơn những gì tôi đã làm nếu các bạn có đủ quyết tâm trong lĩnh vực đầu tư tài chính.

1. BÉN DUYÊN

Tôi đã nghe nhiều về thị trường chứng khoán, và cũng được học sơ qua trên ghế trường đại học (khỉ thật, một môn học hay thế mà mình không nhận ra sớm). Sau này tôi đọc sách tôi biết rằng: con đường mà tất cả các tỷ phú, giới nhà giàu đều phải đi qua đó là chứng khoán và bất động sản (các bạn thử liên hệ tại Việt Nam xem tôi nói đúng không). Lần đầu tiên khi tôi “chơi chứng khoán” là vào năm 2011 khi mới vừa ra trường và bắt đầu có thu nhập. Tôi “bén duyên” thị trường do một người bạn thân giới thiệu do anh ấy cũng kiếm được tiền từ thị trường chứng khoán. Tự nhủ, anh ấy kiếm được tiền mình cũng kiếm được tiền, giống như một kho báu mà mình chưa khám phá. Cảm xúc tôi vẫn nhớ đầu tiên khi tiếp xúc với bảng điển tử là các màu xanh đỏ tím xám quyến rũ nhảy múa trước mắt tôi, lúc đó kiến thức về thị trường là con số 0 tròn trĩnh, không một ai hướng dẫn, không có bất kỳ tài liệu tham khảo nào cả. Cách đầu tư của tôi lúc đó đơn giản là cứ thấy mã xanh thì đầu tư. Thật không may cho tôi sau lần thử vận may lần đầu là NAV đã giảm một nửa. Tôi đã bán hết chứng khoán và không quay lại thị trường nữa.

Kết luận: Tôi chẳng biết gì về thị trường và thị trường cũng bảo cho tôi biết: không có gì là dễ dàng cả.

2. CÚ TÁT THỨ 2.

Tôi tham gia lại thị trường vào cuối năm 2017 lúc nhà nhà đang sôi sục vì thị trường chứng khoán. Lần này cũng do người bạn năm xưa giới thiệu, chả là anh này đi đá bóng bị chấn thương ở chân nên phải vào bệnh viện phẫu thuật và phải nằm viện một thời gian dài, lúc đấy tôi vào viện thăm anh và khuyên anh tranh thủ lúc đang nằm viện nghiên cứu thị trường để đầu tư (lúc này thị trường đang trong uptrend mạnh mẽ). Tôi khuyên anh đầu nhưng tôi lại không đầu tư vì mình cũng bị mất tiền một lần rồi nên cũng hơi run (vợ tôi lúc đấy cũng khuyên tôi nên đầu tư), tôi chần chừ trì hoãn cho đến khi anh bạn tôi khoe là kiếm được một khoản tiền kha khá trên thị trường. Tôi thầm nghĩ chả nhẽ anh bạn kiếm được tiền mình lại không kiếm được tiền, quyết tâm liều một quả.

Sai lầm cũ lại lặp lại và cũng vì lòng tham (hiệu ứng FOMO), tôi đem một số tiền tương đối và đầu tư vào thị trường mà không có một sự hiểu biết nào về phân tích FA cũng như TA và các chu kỳ thị trường. Không may cho tôi khi tôi vào thị trường đúng vào lúc thị trường đã đạt đỉnh mặc dù mình chắc cú đầu tư vào một mã bluechip của nghành cho thuê mặt bằng bán lẻ vì nghĩ rằng tiềm năng thị trường bán lẻ của Việt Nam trong 25 năm tới còn rất tiềm năng với tầng lớp trung lưu đang tăng lên mạnh mẽ và thu nhập người dân ngày càng được nâng cao.

Mã tôi mua lên một chút nữa trước khi đi ngang tại vùng đỉnh với khối lượng lớn (đang phân phối). Tôi ngờ nghệch cho rằng: đầu tư vào mã có tiềm năng kiểu gì chẳng thắng, ông Warrent bảo thế, mình sẽ nắm giữ thật chặt mà không quan tâm đến diễn biến thị trường. Đời không như là mơ, thị trường đạt đỉnh vào tháng 4.2018, sau đấy là chuỗi ngày đau khổ trên thị trường chứng khoán Việt Nam như mọi người đã biết, mã chứng khoán của tôi cầm cứ giảm mãi, giảm mãi cho đến khi tôi giựt mình nhìn vào tài khoản của mình có lúc lỗ tới 40%.

Lúc đấy là một chuỗi ngày đấu tranh trong dằn vặt: tại sao mình tham gia vào thị trường, tại sao tình hình thị trường lại như thế, chẳng nhẽ thị trường là sòng bài như sách báo nói, ước gì mình không tham gia thì trường thì có tốt hơn không? Vì lúc đấy tôi vẫn làm kinh doanh và thu nhập vẫn đủ trang trải, tại sao tôi là phải khổ thế? Vì hay đọc báo chí media nên tinh thần hơi hoang mang, media rồi các diễn đàn suốt ngày hô thị trường sập, VNINDEX sẽ về “ nơi tình yêu bắt đầu” có thể là 7xx, 5xx…có người thì lạc quan rằng rồi thị trường sẽ hồi phục lại…Riêng tôi dù tinh thần rất hoang mang nhưng do bản tính cũng rất lỳ lợm nên tôi quyết không cutloss, tôi chỉ biết rằng khi đọc sách của các nhà đầu tư huyền thoại bảo rằng: về dài hạn chứng khoán sẽ tăng lên. Thị trường năm 2018 là chuỗi ngày sideway cho đến đầu 2019 mã chứng khoán của tôi cơ bản hồi phục nhưng vẫn còn lỗ hơn 10%, tôi biết đây là cơ hội để thoát ra. Thở phảo nhẹ nhõm.

Tôi quyết học hỏi người bạn của tôi lý do tại sao anh đầu tư thành công thế trên thị trường, anh bạn này đầu tư theo phong cách chủ yếu là lướt sóng theo các mã nóng trên thị trường và tương đối thành công. Nhưng bản tính của tôi vốn cẩn thận: chẳng may vào các mã đấy lái đánh sập thì mất trắng à? Sau một thời gian xem xét lại và lấy lại tự tin vào lại thị trường đầu năm 2019 tôi lúc đấy chủ yếu đầu cơ trên các mã bluechip, các mã chứng khoán lúc đấy và thoát vị thế rất nhanh. Ồ thật may mắn là mình đầu tư mã nào cũng thắng vì tôi không biết thị trường trong một con sóng uptrend vào đầu các năm. Tự tin tăng lên là lúc mình không đề phòng: thị trường lao dốc sau sự kiện đảo ngược đường cong lãi suất, tôi buộc phải cutloss bởi vì lúc đấy đang sử dụng margin khá cao: hơn 10% NAV lại ra đi.

Tuy rất đau khổ bởi vì mình cho rằng mình đủ thông minh để đọc hiểu thị trường vĩ mô, về kinh tế và nhiều vấn đề khác, nhưng tôi biết tôi đang sai ở đâu đấy mà tôi không nhận ra vì tại sao vẫn có người vẫn kiếm được tiền ngay cả lúc thị trường downtrend. Có cái gì sai ở đây, có bí mật gì mà tôi còn chưa biết?

3. LÚC NGƯỜI HỌC TRÒ SẴN SÀNG NGƯỜI THẦY SẼ XUẤT HIỆN.

Tôi quyết tâm lao vào tìm hiểu về cách đầu tư trên thị trường chứng khoán, tôi lần mò trên các diễn đàn về thị trường chứng khoán, trên kênh Youtube ..mua sách về đọc, nhưng tất cả đều rất mù mờ. Trên internet thì đủ các thứ từ thượng vàng hạ cám đều có, hoặc rất là manh mún không có hệ thống gì cả, đa phần là các nhà đầu tư nhỏ lẻ đưa ra các quan điểm rất ngẫu hứng, chủ quan, thậm chí là mâu thuẫn.

Sách tôi mua về cả tủ mà đọc cũng không hiểu cho lắm, lý do: thứ nhất họ chỉ dạy về tư duy đầu tư, hoặc quá hàn lâm lý thuyết, thứ 2 chỉ áp dụng cho các thị trường phương Tây khi áp dụng thực tế lại có sự sai lệch, thứ 3 chất lượng dịch thuật không cao do các dịch giả không kiến thức về đầu tư cũng như trải nghiệm đầu tư trên thị trường, thứ 4 là không có người mentor hướng dẫn. Cái tôi cần là một phương pháp đầu tư đơn giản, hiệu quả, hoàn chỉnh phù hợp với tính cách của tôi, có thể sinh lời bền vững theo thời gian của những người đã có kinh nghiệm trên thị trường.

Đúng là lúc người học trò sẵn sàng thì người thầy xuất hiện. Một hôm vào tháng 3.2019 khi tôi đang vào Youtube lang thang để tìm hiểu về kiến thức đầu tư thì không hiểu tại sao các video đề xuất của kênh Thái Phạm cứ đập vào mắt tôi, tò mò tôi vào thử xem một trong các video đó. Như cá gặp nước, tuy tôi chưa biết anh, nhưng tôi biết đây chính là những tư duy về đầu tư và tôi đang cần.

Tôi gần như xem toàn bộ các video của anh, kết bạn trên Facebook, tham gia vào các hoạt động trên cộng đồng Happy.live, tích cực tương tác với anh, hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp trực tiếp được anh. Bước tiếp theo tôi mua toàn bộ những cuốn sách do anh biên dịch và các cuốn sách mà anh đề xuất, tôi hiểu rằng chỉ cần đọc những thứ mà người thành công đã đọc, học theo những tư duy thành công mà họ đang theo đuổi nhất định tôi sẽ thành công.

Bước đầu tiên muốn thay đổi tư duy là thay đổi thói quen: Tôi mạnh dạn tham gia vào thử thách 66 ngày từ những ngày đầu tiên vào ngày 20/5/2019 bằng cách đọc sách vào mỗi buổi sáng (vì tôi muốn nạp kiến thức thật nhanh), thật tuyệt vời khi có anh Thái và các anh em trong cộng đồng cùng tham gia thử thách để cùng tiến bộ.

Tôi đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách khác do Happy.live phát hành và do anh đề nghị cộng thêm xem các video hướng dẫn trên kênh Thái Phạm. Tôi bắt đầu quay lại thị trường và tìm hiểu những mã chứng khoán thoả mãn theo phương pháp 4Ms và CANSLIM. Thật là vi diệu! trước đây tôi đọc các báo cáo của các công ty chứng khoán vô cùng khó hiểu về phần định giá do mình không biết về phần định giá doanh nghiệp, hơn nữa họ làm quá phức tạp.

Không ngờ lại có một phương pháp định giá đơn giản mà dễ hiểu đến thế. Về phần tư duy có cuốn “ Nghệ thuật đầu tư Dhandho” của Monish Pabrai, “Lột xác để thành nhà đầu tư giá trị” của Guy Spier”, “Người đàn ông đánh bại mọi thị trường” của Edward Thorp. Qua thử thách 66 ngày cái mà tôi nhận được là tạo được một thói quen tốt cho mình đó là thói quen dậy sớm, lúc dậy sớm tôi có nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách, tập thể dục, suy ngẫm.

Lượng sách mà tôi đọc trong vòng 66 ngày chắc phải bằng lượng sách tôi đọc 1 năm trước đây, đây chính là sức mạnh của thói quen tốt và ý chí bản thân: thử thách (chứ không phải là khó khăn) là để vượt qua. Một khi đã thách thức bản thân vượt qua được các giới hạn của mình bằng ý chí và khát khao chinh phục thì không gì là không thực hiện được. Giờ đây dậy sớm thật dễ dàng với tôi và việc đọc sách cũng không thể thiếu với tôi hàng ngày.

Qua thử thách 66 ngày cái mà tôi nhận được không chỉ là kiến thức về đầu tư mà cái quan trọng tôi học được từ anh Thái cũng như anh em trong cộng đồng chiến binh 66 ngày đó là lối sống cải thiện tích cực, ý thức vươn lên mỗi ngày để mình mỗi ngày một tốt lên, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua hướng tới mục tiêu to lớn của đời mình. Cám ơn anh Thái Phạm đã truyền lửa, đã đánh thức giấc mơ làm giàu và tự do tài chính trong tôi, giúp tôi vạch rõ con đường tương lai mà mình sẽ đi, sẽ theo đuổi. Chúc anh và cộng đồng Happy.live luôn khoẻ mạnh và tràn trề năng lượng.

Võ Huy Tưởng

Học viên khoá 5 lớp Kungfu Chứng khoán 5 HN

Chiến binh trong cộng đồng chiến binh thử thách 66 ngày