MỘT KHI BẠN LÀ ĂN MÀY, BẠN KHÔNG THỂ NÀO THOÁT KHỎI KIẾP ĂN MÀY

MỘT KHI BẠN LÀ ĂN MÀY, BẠN KHÔNG THỂ NÀO THOÁT KHỎI KIẾP ĂN MÀY

Một sự thật đáng buồn là ăn mày là một ngành kinh doanh ở Ấn Độ – những nước khác cũng có, nhưng Ấn Độ là một ví dụ tiêu biểu. Chúng ta khó có thể chấp nhận chuyện này, nhưng quả thật đó là một ngành kinh doanh được tổ chức chặt chẽ. Ở nhiều nơi, có những ông chủ theo kiểu mafia khuyến khích mọi người biến con cái họ thành tật nguyền để chúng có thể ăn xin hiệu quả hơn. Hành động này đảm bảo chắc chắn rằng ăn xin không chỉ trở thành công việc suốt đời, mà đó còn là công việc truyền từ đời này sang đời khác.

Ở Ấn Độ ngày nay, hệ thống giai cấp trong xã hội đã lơi lỏng đi nhiều, nhưng vào năm 1983, nó vẫn còn ảnh hưởng mạnh. Nó khiến cuộc sống như một hệ thống khép kín, trong đó một khi bạn là ăn mày, bạn không thể nào thoát khỏi kiếp ăn mày. Nhìn cuộc sống dưới góc độ đó, bạn có thể cầu xin được đầu thai thành một người Bà-la-môn được xã hội trọng vọng, hoặc bất kỳ ai khác ở kiếp sau, nhưng trong kiếp này, bạn, con cái bạn, và con của con cái bạn sẽ tiếp tục làm ăn mày. Biết thế rồi, bạn sẽ muốn làm công việc ăn xin của mình sao cho hiệu quả nhất.

Thành công trong nghề ăn xin phụ thuộc vào việc làm người khác thấy mủi lòng, thương hại hoặc tội lỗi để họ cho tiền, do đó, những kẻ cầm đầu và các ông chủ sẽ dạy những người ăn xin cách làm con cái họ trông đáng thương hơn. Dưới sức ép này, đôi khi bố mẹ của những đứa trẻ cào rách mặt con mình, thậm chí chặt tay hay chân chúng. Họ làm con em mình thành tàn tật để tăng khả năng gây xúc động và đồng thời tăng tiềm năng kiếm tiền trong nghề ăn mày.

Ở đất nước mình, tôi đã nhiều lần chứng kiến người ta làm tổn thương nhau vì tiền: trong các vụ ly hôn, kiện cáo, khi bóc lột lẫn nhau hay bóc lột thiên nhiên. Thật dễ dàng để phê phán những lựa chọn sai lầm vì tiền ấy. Giờ tôi còn nhận ra trước đó tôi đã luôn mặc nhiên cho rằng những người nghèo, những người không có tiền để tranh giành với nhau, có lẽ không nằm trong vòng xoáy ấy. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, tôi đã chứng kiến những lựa chọn độc ác và tự hủy hoại bản thân mà những người nghèo cũng làm vì tiền.

Trong ngành ăn mày có tính tổ chức cao này, những người khởi xướng, những người tham gia và những người duy trì trò bất lượng bệnh hoạn ấy, dù không nói ra, đều là đồng lõa. Những người cho tiền vì sửng sốt hoặc thấy tội lỗi đang xoa dịu tội lỗi của mình, và khi ấy, họ cũng thành kẻ tiếp tay, vô tình cổ vũ ngành kinh doanh tàn bạo ấy. Nạn nhân bị kịch thật sự là những đứa trẻ. Nhu cầu của những người ăn xin là nhức nhối và có thật, nhưng số tiền kiếm được không thể nào phá vỡ được vòng nghèo khó luẩn quẩn. Thực tế, tiền chỉ tiếp sức cho ngành kinh doanh quái ác gây ra đau đớn và hy sinh cho thêm nhiều đứa trẻ nữa.

Đây là vở kịch và nhà hát của những người ăn mày, một thủ đoạn mà những người ăn mày đói khát dùng để diễn những trò gây xúc động, xấu hổ và tội lỗi. Tôi cũng đã bị cuốn vào đó. Tôi không có ý rằng họ không cần tiền để mua đồ ăn hay chữa lành những vết thương, nhưng trong việc xin tiền và cho tiền, rõ ràng ẩn chứa một mặt tối tăm và giả dối.

Ramkrishna, người đàn ông vĩ đại luôn nỗ lực dùng công việc và của cải của mình để phá vỡ vòng nghèo khó đang bủa vây đất nước ông, đã thản nhiên bước qua không nói một lời về những người lê la trên mặt đất ngay trước mắt ông. Công ty của Ramkrishna tạo việc làm cho hàng chục nghìn người. Ông ở trên nấc cao nhất của chiếc thang địa vị xã hội Ấn Độ, nắm giữ cả công việc kinh doanh và vai trò xã hội của mình với trách nhiệm và lòng bác ái phi thường. Chính ông là một mạnh thường quân vĩ đại mà những giúp đỡ và sự hào phóng của ông đã trở thành huyền thoại. Tôi cũng nhận ra rằng để duy trì được tầm nhìn, mục đích và vị trí trong xã hội đó, ông buộc phải tạo ra cho mình một sự thờ ơ nhất định khi ngày ngày đối diện với cái nghèo khắc khoải trên đường. Và ông đã làm vậy.

Chúng ta cũng vậy. Trước tiền bạc, tất cả chúng ta đều phần nào cố gắng mắt nhắm mắt mở. Có lẽ chính bởi sợ hãi và lo lắng rằng nếu biết trước hậu quả của việc chúng ta làm để kiếm tiền, hay của những lựa chọn khi ta chi tiêu, chúng ta sẽ phải đảo lộn toàn bộ cuộc sống của mình.

Chẳng hạn, nếu chúng ta thật sự để ý đến vấn đề lao động trẻ em, hoạt động giúp chúng ta hàng ngày được sử dụng những sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài, chúng ta sẽ choáng váng và không thể tiếp tục. Nếu chúng ta công nhận cái giá thực về môi trường mà ta trả cho nguồn năng lượng dường như vô tận phục vụ cuộc sống dễ chịu của mình, chúng ta sẽ phải thay đổi thế nào? Nếu chúng ta thật sự xét đến hậu quả của bất cứ ngành nào thuê ta làm hoặc thỏa mãn những điều ta muốn và cần, sự thật là có thể ta sẽ buộc phải dừng lại trong cuộc sống. Và nếu thật sự nhìn lại niềm tin và giả định của mình về người khác trong vấn đề tiền bạc, có thể chúng ta sẽ phải mở rộng bản thân, trái tim và tâm hồn cho những người mà trước đó ta đã khép mình.

? Trích sách Linh hồn của tiền: https://bit.ly/linh-hon-cua-tien-tiki
– Thai Pham Happy Live – Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn

Có thể bạn quan tâm:

LINH HỒN CỦA TIỀN – ĐÁNH THỨC SỰ GIÀU CÓ TỪ NỘI LỰC CỦA CHÚNG TA

Linh hồn của tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH